Con cá này xấu đau đớn nhưng người ta vẫn săn bắt nó đến mức sắp tuyệt chủng

  •   4,52
  • 3.325

Xấu nhưng ai cũng thèm muốn. Và vì vậy, kể cả xấu đến mấy cũng cần được bảo tồn.

Không cần phải tránh né sự thật phũ phàng: Cá sói Đại Tây Dương – Attlantic wolffish không có vẻ ngoài ưa nhìn. Người ta có thể dễ dàng nhận ra nó có hàm răng sắc nhọn nhưng mọc không đều, chìa ra ngoài khá thô thiển. Cá sói dùng hàm răng lởm chởm đó để cắn nát vỏ cua, tôm hùm và nhím biển, tìm tới những miếng thịt thơm ngon bên trong. Họng của cá sói Đại Tây Dương cũng có bộ răng cưa riêng.

Thế nhưng vẻ ngoài xấu xí không khiến người ta tránh xa con cá: số lượng cá sói ngày một giảm sút do người ta "lỡ tay" đánh bắt nó quá mức. Trớ trêu thay.

Con cá sói này nặng tới 22kg.
Con cá sói này nặng tới 22kg.

  • Số liệu Tại Mỹ: thập niên 80, lượng cá sói bắt được một năm là 1.200 tấn; tới khoảng thời gian những năm 2000, số cá bắt được một năm chỉ còn 30 tấn.
  • Số liệu tại Anh: từ năm 1889, lượng cá sói Đại Tây Dương bắt được từ các lưới rà đáy đã giảm tới 96%.
  • Tại khu vực biển Baltic: cá sói lọt danh sách nguy hiểm, gần sát bờ vực tuyệt chủng.

Điều đáng ngạc nhiên hơn cả: ta không bắt cá sói về để ăn, mà cũng chẳng ngư dân nào cố tình bắt nó về cả.

Vậy tại sao số lượng chúng liên tục giảm sút?

Có tới ba nguyên do khiến lượng cá sói giảm trầm trọng: đánh bắt quá mức, lỡ lọt vào lưới đánh cá và các lưới rà quét sát đáy biển đã khiến môi trường sinh sống của cá bị ảnh hưởng.

Cá sói bị liệt vào hạng "bị đánh bắt quá mức" là do cơ thể chúng quá to, mà tuổi sinh sản của chúng lại cao; thời gian để số lượng cá hồi phục sau khi bị đánh bắt quá dài, số lượng cá giảm sút trầm trọng là vì thế. Các tàu đánh cá không còn đánh bắt cá sói nữa, nhưng không có nghĩa chúng đủ khôn ngoan mà tránh được lưới.

Loài cá này thích sống ở nơi nước lạnh khoảng 0,5 cho tới 3 độ C, nên chúng thường sống dưới đáy biển – khoảng 100 tới 500 mét dưới mực nước biển. Vì thế, cá sói rất hay bị vướng vào lưới rà đáy và đa số trường hợp, cá sói sẽ chết mỗi khi bị kéo đi như thế.

Loài cá này thích sống ở nơi nước lạnh khoảng 0,5 cho tới 3 độ C
Loài cá này thích sống ở nơi nước lạnh khoảng 0,5 cho tới 3 độ C.

"Cá sói Đại Tây Dương sống và kiếm ăn nơi đáy biển, cũng "làm tổ" tại đó luôn, chúng đẻ trứng tại những khu vực nhất định và con đực sẽ lãnh trách nhiệm bảo vệ tổ", Chris Middleton, người quản lý một trang web chuyên đánh bắt cá của Anh nói với Business Insider.

"Môi trường sống của chúng rất dễ bị phá hủy bằng bất cứ phương tiện đánh bắt nào chạm tới đáy đại dương".

Theo thông số Viện Bảo tồn Hải dương cho hay, đôi lúc 90% lượng thủy sản lọt vào các lưới rà đáy là những con bỏ đi, không có giá trị kinh tế. Việc đánh bắt vét đáy ảnh hưởng rất nặng nề tới hệ sinh thái biển. Đây là lý do lớn khiến số lượng cá sói Đại Tây Dương giảm tới mức đáng báo động.

Cá sói đang tiến tới gần bờ vực tuyệt chủng do chính hàng động tình cờ bắt được của ngư dân. Chúng cũng chẳng đủ xinh đẹp – như gấu trúc hay báo tuyết – để người ta để ý tới, tìm mọi cách để bảo tồn. Xấu không phải là tội, xấu cũng cần được bảo tồn.

Không cần chúng ta thương hại "nước sơn" của nó, cá sói có những đặc tính "tốt gỗ" khiến ta phải thán phục.

Để sống được môi trường rất lạnh, cá sói tạo ra protein chống đông, cho phép máu của chúng lưu thông được trong hệ tuần hoàn.

Cá sói thay răng hàng năm. Cứ vài tháng, vào khoảng thời gian chờ răng mọc lại, cá sói hoặc nhịn đói, hoặc kiếm những động vật thân mềm để ăn tạm.

Và quan trọng hơn cả, cá sói Đại Tây Dương đóng vai trò tối quan trọng trong hệ sinh thái đại dương, tất cả nhờ chế độ ăn đặc biệt của chúng. Chúng điều tiết số lượng cua xanh, nhím biển có dưới lòng biển. Nếu không có cá sói, hệ sinh thái biển sẽ mất cân bằng.

Ta đã làm gì được cho con "cá xấu" rồi?

Câu trả lời là chưa nhiều.

Cá sói Đại Tây Dương đóng vai trò tối quan trọng trong hệ sinh thái đại dương.
Cá sói Đại Tây Dương đóng vai trò tối quan trọng trong hệ sinh thái đại dương.

Hồi năm 2008, các nhà nghiên cứu gửi đơn thỉnh cầu lên chính phủ liên bang, kêu gọi bảo vệ loài cá sói Đại Tây Dương. Cùng năm đó, Hiệp hội Đánh cá và Đại dương Canada đưa ra một chiến lược bảo tồn bao gồm nâng cao nhận thức ngư dân về bảo vệ môi trường biển, điều chỉnh thói quen đánh cá.

"Thông tin về số lượng cá thể cá sói thiếu sót nhiều, và khi nó đã được đưa vào danh sách "Loài đáng lo ngại", cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để hiểu hơn về cá sói", Sarah Russell từ Tổ chức Hải dương Xanh cho hay. Cô Russell nói rằng Tổ chức của cô đang phối hợp với Ban Bảo tồn Hải dương Tự nguyện tại Scotland, ra sức bảo vệ nhiều loài động vật biển đang có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có cá sói Đại Tây Dương.

Cô mong muốn các dự án bảo tồn sẽ sớm có hiệu lực và đi vào hoạt động.

Cập nhật: 18/01/2019 Theo Trí Thức Trẻ
  • 4,52
  • 3.325