Một nhóm các nhà khoa học quốc tế từ Đại học Quốc gia Australia (ANU) và UNSW Canberra đang phát triển công nghệ laser để kiểm soát đường đi và hướng của tia sét.
Công nghệ này có thể cho phép các nhà khoa học kiểm soát nơi sét chạm đất, giảm nguy cơ cháy rừng thảm khốc.
Các nhà khoa học đã sử dụng cường độ laser ít hơn một nghìn lần so với trước đây, có nghĩa là công nghệ kiểm soát tia sét có thể rẻ hơn, an toàn hơn và chính xác hơn nhiều.
Công nghệ này giúp kiểm soát nơi sét chạm đất, giảm nguy cơ cháy rừng thảm khốc.
Bằng cách đốt nóng các vi hạt graphene trong chùm tia, nhóm đã tạo ra các điều kiện truyền điện cần thiết dọc theo đường laser chỉ bằng một tia laser cường độ thấp thông thường.
Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Vladlen Shvedov, Trường Nghiên cứu vật lý ANU cho biết, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một chùm tia laser phản chiếu quá trình tương tự như tia sét và tạo ra một đường dẫn phóng điện đến các mục tiêu cụ thể.
“Thí nghiệm đã mô phỏng các điều kiện khí quyển tương tự như các điều kiện được tìm thấy trong sét. Chúng ta có thể hình dung một tương lai nơi công nghệ này có thể tạo ra phóng điện từ tia sét đi qua, giúp dẫn đường nó đến các mục tiêu an toàn và giảm nguy cơ hỏa hoạn thảm khốc”, Tiến sĩ Shvedov nói.
Còn theo đồng tác giả, Giáo sư Andrey Miroshnichenko, UNSW Canberra, đây là phát hiện quan trọng để giảm nguy cơ cháy rừng. Chùm tia có thể dẫn hướng trong khoảng cách xa và cho phép kiểm soát chính xác sự phóng điện của tia sét.
“Khám phá cũng có tiềm năng cho việc kiểm soát quy mô vi mô của phóng điện trong các ứng dụng sản xuất và y học. Nó có thể ứng dụng trong y tế như dao mổ quang học để loại bỏ các mô ung thư cứng đến các kỹ thuật phẫu thuật không xâm lấn”, Giáo sư Andrey nói.
“Chúng tôi đang bắt đầu tìm hiểu công nghệ hoàn toàn mới này có thể có ý nghĩa như thế nào”, ông cho biết.