Viện nghiên cứu Fraunhofer đã nghiên cứu thành công một kĩ thuật đầu tiên cho phép hạn chế sự vi phạm bản quyền nhạc số trên mạng. Công nghệ này được phát triển dành cho một dạng chuẩn âm thanh khá phổ biến hiện nay: MP3.
Đây là một hệ thống phần mềm, cho phép theo dõi các tập tin âm nhạc trong quá trình chia sẻ trên mạng ngang hàng. Hệ thống phần mềm này dựa trên công nghệ dán nhãn số của riêng nhóm nghiên cứu.
Mặc dù công nghệ dán nhãn này không có gì là mới, vẫn được dùng bởi một số lớn các hãng nhạc để đánh dấu sản phẩm của mình. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, công nghệ này được ứng dụng để theo dõi việc chia sẻ các tập tin audio trên mạng ngang hàng.
Công nghệ này cho phép các nhà cung cấp nhạc số như là các studio nhạc có thể dán một “nhãn” (watermark) lên nội dung một file nhạc như một dấu hiệu chứng tỏ bản quyền hợp pháp của mình trên bản nhạc đó. “Nhãn” này làm thay đổi nội dung của bản nhạc, có thể là cường độ âm một đoạn nào đó lớn hơn bình thường một chút. Đối với các hình ảnh thì màu sắc một vùng nào đó có thể sáng hơn bình thường. Trong nhãn này còn chứa một con số "vô trật tự" nhằm mục đích tạo một liên kết giữa nhà cung cấp và người mua. Con số lộn xộn này có ý nghĩa giống như dấu vân tay vậy.
Quyền tự do cá nhân?
Các nhà khoa học ở Fraunhofer cho biết, kĩ thuật này căn bản không vi phạm điều luật về quyền tự do cá nhân, tức là không theo dõi khách hàng. Nó chỉ theo dõi các bản nhạc được tải lên một cách bất hợp pháp cho các chia sẻ ngang hàng trên Internet (peer-to-peer). Ví dụ, bạn mua một đĩa CD ROM nhạc có bản quyền và cho một người bạn mượn. Người bạn đó sao chép và tung bản nhạc đó lên mạng theo hình thức peer-to-peer. Lúc đó hệ thống theo dõi sẽ phát hiện và truy ra rằng bạn là người sao chép bất hợp pháp bản nhạc trên.
Các bản nhạc tải về sẽ không cần phải kiểm soát. Bạn chỉ có thể tải về khi có sự cho phép của nhà sản xuất.Chính vì thế, quyền tự do các nhân không hề bị xâm phạm. Bạn cũng không hề bị theo dõi.
Được biết, công nghệ này sẽ được trình diễn vào tháng tới tại hội nghị thương mại Cebit.
TRẦN HUY