Cũng như người thường, các nhà du hành vũ trụ cũng có lúc sơ suất để quên đồ đạc ở nhà. Tuy nhiên trong tương lai, chuyện đóng gói thiếu đồ chỉ là chuyện vặt.
>>> Máy in 3D giúp bệnh nhân tự in thuốc tại nhà
Đó là bởi vì họ sẽ có thể sử dụng các máy in 3D đặc biệt, với khả năng “in” ra bất cứ đồ vật thật nào mà các nhà du hành cần, kể cả các linh kiện máy móc bằng kim loại.
Chỉ vừa được trình diễn hồi đầu năm tại Triển lãm CES 2012, ý tưởng về những chiếc máy in 3D có thể tạo ra đồ vật thật bằng cách “in” đồ vật thành từng lớp rồi ghép lại với nhau - như trong phim khoa học viễn tưởng, đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của giới truyền thông.
Bất cứ khi nào và ở đâu bạn cần, chiếc máy in đồ
dùng 3D cũng có thể tạo ra các đồ vật theo yêu cầu.
DailyMail cho hay, hiện Nasa đang tiến hành thử nghiệm các cỗ máy in 3D kiểu này trên một số chuyến bay trọng lực yếu trên Trái đất.
Thậm chí Nasa hiện còn có một loại máy in 3D cỡ lớn có thể “tạo” ra các vật thể kim loại theo yêu cầu.
Gần 10 năm trước, các kỹ sư của Trung tâm Nghiên cứu Langley NASA đã phát triển nên EBF3 (tức Chế tạo đồ vật từ tia electron phi dạng), một quy trình sử dụng sóng bắn tia electron, 2 dây nối và máy tính điểu khiển để làm ra các cấu trúc kim loại. Các cấu trúc này cho phép họ lắp ráp thành các công cụ, dụng cụ, thiết bị phức tạp chỉ trong vài giờ, thay vì vài ngày hay vài tuần như bình thường.
Kỹ sư Karen Taminger đang giơ một linh kiện máy được máy in "in" ra.
“Chúng tôi đang cố gắng đưa khả năng này lên môi trường ISS”, chuyên gia in 3D Karen Taminger của Nasa cho biết. Hiện nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu những điều chỉnh về phần cứng cũng như quy trình để hệ thống chạy ổn định hơn và thân thiện với các nhà du hành hơn, trang Space.com tiết lộ.
“Nói ngắn gọn, NASA đang phát triển một công cụ sản xuất vật dụng bổ trợ, theo yêu cầu, cho phép các nhà thám hiểm không gian tạo ra bất cứ thứ gì họ muốn, bất cứ khi nào và ở đâu mà họ cần đến”, Taminger kết luận.