Khi Mặt trời bắt đầu ló dạng trên biển Aral (nằm ở Trung Á, phía Bắc giáp Kazakhstan, Nam giáp Uzbekistan), bác ngư dân Alek giong buồm ra khơi. Sau một lúc buông lưới, ông kéo lên khỏi mặt nước mẻ lưới đầy ắp cá chép, cá tầm và cá bơn... - một điều ông không dám mơ tới cách đây 2 năm. “Tất cả đều nhờ con đập này”, Alek nói trong khi tay đổ cá xuống khoang tàu.
Do chính phủ Kazakhstan xây dựng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), đập nước dài 13 km chia biển Aral làm 2 phần này là một phần của dự án 68 triệu USD nhằm khắc phục một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất thế giới do con người tạo ra, đồng thời làm hồi sinh biển Aral mà theo cảnh báo của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) nếu không có biện pháp bảo tồn, sẽ biến mất hoàn toàn vào năm 2020.
Con đập - “cứu tinh” của biển Aral và ngư dân địa phương. (Ảnh: baoCanTho) |
Khi thiếu nước, biển Aral cạn dần, hiện tượng sa mạc hóa lan rộng, làm thay đổi khí hậu, phá hủy hệ sinh thái, tiêu diệt các loài động thực vật, và buộc hàng ngàn người dân địa phương sơ tán. Mỗi năm các ngư dân phải đi xa để lấy nước và cá dưới biển ngày càng ít lại. Hiện tượng sa mạc hóa và nồng độ muối trong nước biển tăng ở vùng biển Aral còn lại đã gây nên những trận bão muối. Theo ước tính của UNEP, mỗi ngày có 200.000 tấn muối và cát từ đáy biển Aral bị gió cuốn vào vùng đất canh tác trong vòng bán kính 300 km. Tình trạng nhiễm mặn phá hủy các cánh đồng nuôi gia súc, đất trồng trọt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cư dân trong vùng. Hệ quả của biển Aral “hấp hối” đã đẩy người dân địa phương lâm vào cảnh khốn đốn.
Tuy nhiên, giải pháp xây đập dẫn nước vào biển chưa phải là giải pháp triệt để. Khu vực phía Nam biển Aral vẫn đang tiếp tục hẹp dần. Các chuyên gia môi trường khuyến cáo hai nước chia sẻ biển Aral là Kazakhstan và Uzbekistan cần có những hành động khẩn cấp nếu muốn bảo tồn ít nhất một phần của vùng biển này.
Hình ảnh biển Aral năm 2003 (trái) và năm 2006 (phải) (Ảnh: BBC)
THÁI AN