Với giới "săn đá trời", các mẩu thiên thạch là món hàng quý, giá có thể lên tới 1.000 euro (khoảng 20 triệu đồng Việt Nam) mỗi gram. Tuy nhiên, giới nghiên cứu vũ trụ lại cho rằng, chúng chứa đựng thảm họa.
“Chúng tôi đang ở dưới bếp chuẩn bị cho bữa điểm tâm thì nghe một tiếng nổ rất lớn, cứ như là bom nổ vậy" - ông Archer ở ngoại ô Auckland, New Zealand, kể lại tình huống khiến gia đình mình có được viên đá trời quý giá - "Chúng tôi hết sức kinh ngạc khi phát hiện nó nằm dưới sàn nhà phòng khách, nó rất nóng không thể chạm tay vào được. Tôi liền gọi điện báo cho công ty bảo hiểm và chỉ vài giờ sau, các nhà khoa học hay tin đã kéo đến đầy nhà...”.
Từ đó trở đi, ông bà Archer phải liên tục trả lời điện thoại và tiếp đón các nhà khoa học đến từ nhiều nơi trên thế giới để tìm hiểu về “món quà không mong mà có” này.
Theo các nhà thiên văn học, hòn đá mà ông bà Archer đang giữ đã di chuyển một quãng đường dài 700 triệu km từ một tiểu hành tinh ở giữa sao Hỏa và sao Mộc. Khi tiến vào bầu khí quyển của Trái Đất, nó có kích cỡ bằng trái bóng rổ và di chuyển với vận tốc lên đến 50.000 km/giờ. Vào thời điểm xuyên thủng mái nhà ông Archer thì vận tốc của nó đã giảm xuống còn khoảng 500 km/h. Đây là hòn đá trời thứ 9 được ghi nhận ở New Zealand từ trước đến nay.
Hòn thứ 8 được phát hiện trước đó 28 năm. Tiến sĩ Joel Schiff, giảng viên Đại học Auckland, biên tập viên của Tạp chí Meteorite (Thiên thạch) nhận xét, đó là một hòn đá trời lớn và đẹp.
Của báu bất ngờ...
Thiên thạch (Ảnh: SK&ĐS) |
Tại vùng Ensisheim có một viên đá trời được coi là cổ nhất khu vực Trung Cận Đông, rơi vào trái đất ngày 7/4/1942. Viên đá đó được cất giữ trong cung điện chính của thành phố. Tầng hai của cung điện được dành riêng để trưng bày bộ sưu tập của những người chơi đá trời đến từ Đức, Pháp, Italy, Marốc, Nga... Họ đều là thành viên của Câu lạc bộ Người săn đá trời. Hằng năm, trong một ngôi làng nhỏ của người Alsake ở vùng này, người ta thường tổ chức một hội chợ đặc biệt có tên là Hội chợ đá trời. Khách từ các nơi tấp nập đổ về. Cứ 4 euro cho một vé vào cửa với đồ uống được miễn phí.
Tại hội chợ trên, người ta đặt ra giá 1.000 euro cho một gram đá trời. Một cục đá lấy từ thiên thạch Williamette nặng 15,5 tấn đang được trưng bày tại Viện bảo tàng lịch sử thiên nhiên Mỹ có thể được bán với giá 8.000-10.000 USD. Hay những thiên thạch sắt lấy từ thung lũng Bầu trời tại Argentina rơi xuống trái đất cách nay hàng nghìn năm được bán với giá từ 40.000-50.000 USD. Những viên đá trời rẻ nhất cũng có giá 5.000-6.000 USD, lấy từ mặt trăng.
Những người đi săn đá trời thường đến các sa mạc lớn như Sahara và Antarcticque với hy vọng tìm được kho báu. Thế nhưng chỉ những người may mắn mới có được, bởi chúng xuất hiện bất thình lình ở mọi nơi, ở những chỗ mà người ta không ngờ đến và có thể mãi chỉ là hình hòn đá bình thường do không được nhận biết.
Ở Việt Nam, tại gian trưng bày ngọc và đá quý tại đường Đồng Khởi TP HCM có những viên đá trời được chau chuốt và đánh bóng đen tuyền, đặt trong hộp nhỏ lót nhung đỏ và ghi nhãn hiệu “Ngọc thiên thạch”. Nông dân vùng Đà Lạt (Lâm Đồng) đã vứt những viên đá trời này lăn lóc ở góc vườn hay trong đống rác vì không hề biết giá trị của nó. Tại đây, trong 1m3 đất có thể tìm được khoảng 10-20 viên đá trời có tên là tectit. Mỗt ngày, một người nếu tìm kỹ có thể nhặt được khoảng vài kg, đem bán cho cửa hiệu kim hoàn được vài chục nghìn đồng. Sau khi gọt giũa thành đồ trang sức, các cửa hàng kim hoàn có thể bán ra với giá gấp hàng trăm.
... nhưng cũng là thảm họa
Với các nhà nghiên cứu về vũ trụ, những viên đá trời nhiều khi chứa đựng thảm họa khó lường.
Theo những ghi chép mới nhất của Spaceguard Foundation (Tổ chức canh gác không gian, ra đời năm 1996, có nhiệm vụ phát hiện tất cả những gì trong không gian có thể gây nguy hiểm cho trái đất), mỗi năm có hàng nghìn tấn đá trời rơi xuống trái đất.
Hiện có ít nhất 1.200 viên đá trời đường kính lớn hơn 1 km và 200.000 viên đường kính trên 100 m đang bay lượn gần trái đất. Ngoài ra còn vô số viên đá mà kính viễn vọng không phát hiện ra. Chúng sẵn sàng rơi xuống trái đất bất cứ lúc nào.
Dù không thể dự đoán chính xác thời gian chúng sẽ “hạ cánh” nhưng con người cũng có thể tính toán được lực tác động của những vụ va chạm. Thường lao xuống trái đất với vận tốc từ 50.000-100.000 km/giờ, một thiên thạch có đường kính 5 m khi chạm đất cũng đủ gây ra một nguồn năng lượng tương đương một quả bom nguyên tử, với đường kính 50 km thì giống như 1.000 quả bom nguyên tử cùng phát nổ.
Và đặc biệt nghiêm trọng là: Theo tính toán, cứ trung bình 500.000 năm thì trái đất sẽ phải hứng chịu một hòn đá trời có đường kính 1-2 km, một vụ va chạm có khả năng giết chết ít nhất 1,5 tỷ người. Người ta nghi ngờ rằng điều này đã xảy ra vào 65 triệu năm trước, làm diệt vong loài khủng long.
Trong khi những nhà sưu tập đá trời luôn mơ ước một món quà từ trên trời rơi xuống thì các nhà khoa học lại đau đầu tìm cách ngăn không cho nó rơi vào trái đất: Nào là phóng tên lửa với những quả bom nguyên tử nhằm phá hủy hay làm chệch hướng rơi của khối đá, làm tan chảy khối đá bằng tia laser ngay từ khi đá trời chuẩn bị tiếp cận trái đất...
Lê Vũ Liên Phương