Đại dương kêu cứu bởi chất dẻo phân hủy

  •  
  • 1.684

Đại dương kêu cứu bởi hàng tỷ kilogam chất dẻo trôi bồng bềnh trên mặt biển, có loại chất liệu khó phân huỷ, lại bị phân huỷ với tốc độ nhanh và giải phóng nhiều chất độc hại vào biển khơi.

Trong công trình nghiên cứu đầu tiên về hiện tượng hàng tỷ kilogam chất dẻo trôi bồng bềnh trên mặt biển (thường là các rác thải bị cuốn từ bờ ra đại dương) hàng bao năm qua, các nhà khoa học nhận thấy loại chất liệu nổi tiếng về sự khó phân huỷ này lại bị phân huỷ với tốc độ nhanh một cách đáng ngạc nhiên và giải phóng nhiều chất độc hại vào nước biển.

Thông báo tại Hội nghị toàn quốc lần thứ 238 của Hội Hoá học Mỹ, các nhà nghiên cứu đã nói về một phát hiện “thật lạ lùng” của họ. Họ vẫn cho rằng chất dẻo trong đại dương chẳng có bao nhiêu, hiếm hoi lắm mới có một sinh vật biển nào đó lỡ ăn phải hoặc bị đánh bẫy trong các đồ vật bằng chất dẻo. 

Một cậu bé người Nhật đang chỉ các phế thải Styrofoam đầy rẫy trên bãi biển. (Ảnh: Katsuhiko Saido)

Nhà nghiên cứu phụ trách nhóm, TS. Katsuhiko Saido kể lại: "Chất dẻo dùng trong sinh hoạt hàng ngày nói chung được coi là rất bền. Vậy mà chúng tôi thấy giữa đại dương chúng lại bị phân huỷ khi tiếp xúc với nắng, mưa và những điều kiện khác của môi trường, từ đó trở thành một nguồn ô nhiễm trên toàn cầu và tiếp tục gia tăng trong tương lai”.

Ông cho biết polistiren bắt đầu bị phân huỷ trong vòng một năm, giải phóng ra những chất có thể phát hiện được với nồng độ vào khoảng phần triệu. Những hoá chất này lại phân huỷ tiếp trên mặt đại dương và bên trong cơ thể các động vật biển. Lượng chất dẻo trôi dạt đại dương ngày một nhiều lên nên các sản phẩm phân huỷ trở thành một vấn đề buộc phải quan tâm.

Mỗi năm, riêng ở Nhật thôi đã có khoảng 150.000 tấn chất dẻo thải bó, đáng chú ý nhất là Styrofoam (tức polistiren dạng xốp) bị cuốn trôi ra biển. Chúng bị sóng đánh và đưa đẩy đi rất xa, đến bất cứ nơi nào trên biển cả.

Vùng biển mang tên “Bãi rác lớn trên Thái Bình Dương” nằm giữa California và Hawaii rộng gấp đôi bang Texas chủ yếu là chất dẻo trôi nổi.

Saido, một nhà hoá học, Trường Dược, thuộc ĐH Nihon Chiba, Nhật, cho biết, nhóm nghiên cứu của ông đã nhận thấy khi chất dẻo phân huỷ, nó thường phóng thả vào nước biển chất bisphenol A (BPA) rất độc hại và những oligome của polistiren, gây ô nhiễm biển. 

Biển của Việt Nam không kém biển nước nào về ô nhiễm chất dẻo. (Ảnh: VNN)

Chất dẻo không bị phân huỷ khi các động vật biển lỡ ăn phải nên có thể chưa thể hiện sự độc hại đối với chúng. Tuy nhiên chúng lại bị nhiễm độc khi hấp thụ các hoá chất do chất dẻo phân hủy và hoà vào đại dương. Chính các chất này mới ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng. Các chất BPA và oligome của polistiren có thể làm rối loạn các hocmon và tác động nghiêm trọng đến khả năng sinh sản của các động vật biển. 

Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng dù bị phơi nhiễm với chất BPA nồng độ rất thấp mà các container hoặc các loại bao bì giải phóng ra cũng gây những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cho các loại sinh vật.

Saido trình bày một phương pháp mới mà ông đã dùng để mô phỏng sự phân huỷ chất dẻo ở nhiệt độ thấp, như nhiệt độ ở đại dương.

Quá trình này bao gồm các thí nghiệm như mô hình hoá sự phân huỷ chất dẻo ở nhiệt độ phòng, tách nhiệt ra khỏi chất dẻo, dùng một chất lỏng để chiết xuất BPA và oligomer của polistiren.

Ông cho biết, loại chất dẻo xốp Styrofoam bị sóng biển làm rã vụn ra một cách dễ dàng.

Nhóm nghiên cứu cũng thông báo họ không thấy có 3 chất độc hại nhất (mà Styrofoam có thể sinh ra) trong thiên nhiên. Đó là monome của stiren (MS), dime của stiren (DS) và trime của stiren (TS) mà ai cũng biết rằng MS chắc chắn gây ung thư, DS và TS bị nghi ngờ gây ung thư.

TS sẽ sinh ra SM và DS khi phân huỷ nhiệt. Nhưng bản thân trime cũng đe dọa cuộc sống của các sinh vật..

Tuấn Hà - Vietnamnet (Theo Sciencedaily.com)
  • 1.684