Đài Loan: Nhà máy tái chế mọc lên từ phế liệu

  •  
  • 3.035

Xử lý tái chế rác thải điện tử là nhiệm vụ quan trọng nhưng khá phức tạp bởi vì nếu chúng ta vứt bỏ chiếc máy tính ra vườn nhà thì lâu ngày, các linh kiện trong máy sẽ làm rò rỉ chất độc thấm vào đất gây hại cho môi trường cũng như những người sống quanh đó. Và, đó cũng là một điều cực kỳ quan trọng ở Đài Loan có diện tích nhỏ bé chỉ 36.190km2 với dân số 23 triệu người.

Do Đài Loan sản xuất các sản phẩm điện tử nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác tính theo đầu người và cũng là nơi tập trung nhiều công ty điện tử lớn như Foxconn, Asus, Acer, Via và HTC cho nên vấn đề xử lý rác thải điện tử càng được quan tâm sâu sát.

"Nhà máy sẽ mọc lên từ rác thải", người đàn ông đội chiếc mũ bảo hộ mỉm cười nói và chỉ tay về phía công trường xây dựng náo nhiệt đằng sau lưng mình. Người đàn ông đó chính là Arthur Huang - kiến trúc sư, chuyên gia thiết kế đô thị và là một trong những doanh nhân hàng đầu của Đài Loan.

Nhà máy đang xây dựng nằm cách thủ đô Đài Bắc chừng 1 giờ đường ôtô được thành lập để xử lý tái chế rác thải điện tử phát sinh từ người dân sống trên đảo cũng như các công ty công nghệ. Nhưng Arthur Huang muốn làm nhiều hơn thế nữa. Ông nói: "Nhà máy không chỉ có nhiệm vụ tái chế rác thải điện tử, lọc lấy vàng và đồng từ các máy tính và điện thoại di động bỏ đi mà bản thân nó còn được xây dựng từ vật liệu tái chế từ rác thải. Ngoài ra, nhà máy cũng tuân thủ tiêu chuẩn môi trường ở mức cao nhất so với bất cứ nhà máy tái chế nào trên thế giới".

Arthur Hunag cũng chỉ rõ mô hình của nhà máy tương lai - phần trần nhà máy được xây dựng từ các đĩa CD hay DVD cũ, các bức tường hình thành từ sợi thủy tinh tái chế từ các bảng mạch chủ máy tính. Qua các công trình của mình, Arthur Huang muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng, những vật liệu được làm từ rác thải có thể dùng để xây dựng những tòa nhà vững chắc chống chọi được bão và lửa.

Mô hình nhà máy xử lý rác thải điện tử - một dự án xây dựng mới của Miniwiz.
Mô hình nhà máy xử lý rác thải điện tử - một dự án xây dựng mới của Miniwiz.

Arthur Huang điều hành Miniwiz, một công ty khởi nghiệp từ việc phát triển các dự án xây dựng thân thiện với môi trường. Nhà máy xử lý rác thải điện tử là một trong những dự án lớn nhất và mới nhất của Miniwiz, phối hợp triển khai với một trong những công ty tái chế hàng đầu của Đài Loan là SDTI.

GT Ding, chuyên gia công nghệ của SDTI, chỉ một cái hộp to đựng khoảng 2kg vàng và giải thích: "Lượng vàng này được lọc lấy từ hơn 10.000 bảng mạch chủ máy tính. Hòn đảo của chúng tôi rất quý giá và không thể cứ vứt rác bừa bãi cho nên chúng tôi cần có những giải pháp hiệu quả".

Mọi thứ rác thải đều được chính quyền Đài Loan quan tâm xử lý theo hướng thân thiện với môi trường. Cách đây vài năm, rác thường được đổ xuống các hố chôn song không dễ tìm cho ra không gian đủ lớn để chứa rác khi mà 70% diện tích đất của hòn đảo bị núi non bao phủ. Năm 2010, chính quyền Đài Loan thông qua một chính sách dẹp bỏ các hố chôn rác trên đảo, khuyến khích tái chế rác thải và quảng bá cho sự phát triển bền vững.

Giáo sư Hsiao Kang Ma từ Đại học Đài Loan cho biết, một số nhà máy hiện nay ở Đài Loan chế tạo đồ nội thất bằng giấy thay thế cho gỗ, và hòn đảo có tiếng với sản phẩm quần áo sinh thái. Thậm chí Đài Loan còn sử dụng loại vải polyester tái chế từ những chai nhựa để may áo cho 9 đội tuyển bóng đá tham gia tranh tài tại World Cup tổ chúc ở Nam Phi. Loại áo sinh thái này có đặc điểm là nhẹ hơn chất liệu thông thường đồng thời hút mồ hôi tốt hơn.

Khoảng 2kg vàng được lọc ra từ hơn 10.000 bảng mạch chủ máy tính.
Khoảng 2kg vàng được lọc ra từ hơn 10.000 bảng mạch chủ máy tính.

Alex Lo, Giám đốc điều hành Công ty dệt may Đài Loan Super Textile Corporation, cho biết: "Tiến trình sản xuất cũng sử dụng ít nước và năng lượng hơn. Chúng tôi chỉ dùng những chai nhựa màu nhằm tránh phải sử dụng thuốc nhuộm".

Nhưng, bất chấp mọi nỗ lực của chính quyền Đài Loan, người dân vẫn còn chưa quan tâm đúng mức về vấn đề bảo vệ môi trường. Sau khi chính quyền cấm triển khai thêm các hố chôn rác, người dân trên đảo lại quay sang sử dụng các lò đốt rác hơn là tập trung rác đến các nhà máy xử lý tái chế. Kết quả là 26 trung tâm đốt rác mọc lên rải rác khắp Đài Loan.

Tổ chức bảo vệ môi trường Hòa bình xanh (Greenpeace) cảnh báo việc đốt rác thậm chí còn nguy hại hơn là vứt rác bừa bãi! Người phát ngôn của tổ chức giải thích: "Các lò đốt rác không là giải pháp cho vấn đề xử lý rác bởi vì bầu khí quyển sẽ bị đầu độc bởi dioxin và các hóa chất nguy hiểm khác". Tuy nhiên, Cơ quan Bảo vệ môi trường Đài Loan (EPA) nhận định: sắp tới đảo sẽ có nhiều tiến bộ hơn.

Một trạm xe buýt ở miền nam Đài Loan được xây dựng từ những chai nhựa.
Một trạm xe buýt ở miền nam Đài Loan được xây dựng từ những chai nhựa.

Những chiếc xe tải chở rác phát ra âm nhạc lăn bánh trên mọi đường phố Đài Bắc mỗi ngày hai lần để thu gom rác thải và Miniwiz giúp biến chúng thành những thứ có ích. Năm 2010, tòa nhà cao 24 mét EcoArc được xây dựng từ 1,5 triệu chai nhựa!

Theo các nhà bảo vệ môi trường, sản phẩm nhựa là vấn đề toàn cầu - hàng triệu tấn đồ nhựa bị vứt bừa bãi khắp các đại dương trên thế giới. Riêng người Đài Loan vứt bỏ khoảng 4,5 tỉ chai nhựa mỗi năm!

Công ty Miniwiz của Arthur Huang không chỉ dừng lại ở những tòa nhà mọc lên từ rác thải, mà còn nghiên cứu thiết kế xây dựng hàng trăm trạm xe buýt ở miền Nam Đài Loan - tất cả đều hình thành từ… những chai nhựa tái chế.

Arthur Huang cho biết Công ty Miniwiz đang nghiên cứu thiết kế một nhà hát sinh thái cho thành phố Thượng Hải của Trung Quốc. Do thiếu không gian cũng như vật liệu thô cho nên các công ty Đài Loan buộc phải đầu tư vào ngành công nghiệp tái chế rác thải giúp cho thế giới ngày một xanh hơn

Theo ANTG
  • 3.035