Các chuyên gia sức khoẻ Ấn Độ ngày 24/08 cho biết, ít nhất 200 em nhỏ đã bị chết do dịch viêm não Nhật Bản bùng phát ở phía Bắc Ấn Độ.
Viêm não Nhật Bản có các triệu chứng như sốt cao, nôn mửa và có thể khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê. Bệnh này đã và đang tấn công vùng Uttar Pradesh từ tháng 7 đến nay. Theo tính toán, có khoảng 900 em nhỏ nhiễm bệnh đã được nhập vào các bệnh viện ở vùng Uttar Pradesh. Một số gia đình đến từ các vùng lân cận là Bihar và Nepal.
Trẻ em ở độ tuổi từ 6 tháng đến 15 tuổi là dễ nằm trong tầm nguy hiểm của bệnh viêm não Nhật Bản. (Ảnh: BBC) |
Các bác sỹ nhận định, trẻ em ở độ tuổi từ 6 tháng đến 15 tuổi là dễ nằm trong tầm nguy hiểm của bệnh này nhất. Giáo sư Rashmi Kumar, một chuyên gia về bệnh viêm não Nhật Bản ở bệnh viện Lucknow nói: “Năm nay, virus viêm não tấn công có vẻ tàn bạo hơn. Trẻ em phát bệnh nhanh chóng chỉ trong vòng một đến hai ngày sau khi bị nhiễm”.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mầm mống bệnh tật là do người dân ở những khu vực này thường xuyên bị lũ lụt, nguồn nước ô nhiễm, tình trạng vệ sinh cũng không được chú trọng dẫn đến việc phát triển môi trường sinh sống của những loài muỗi gây hại.
Theo các bác sỹ, thị trấn Gorakhpur đang được coi là vùng nóng của bệnh dịch này. Năm ngoái, chính phủ Ấn Độ cũng đã nói sẽ dành 60 triệu rupee (khoảng 1,24 triệu USD) trong việc nâng cấp trang thiết bị y tế tại bệnh viện Gorakhpur. Nhưng bệnh viện không có đủ nhân viên y tế để đáp ứng phục vụ một lượng bệnh nhân quá đông.
Các bác sỹ còn cho hay, trẻ em không được điều trị kịp thời sẽ bị ảnh hưởng lâu dài, có thể bị tàn tật suốt đời. Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa có liệu pháp đặc trị. Có 3 loại vaccine phổ biến nhưng Ấn Độ dường như không thành công trong việc tuyên truyền chương trình tiêm vaccine phòng bệnh.
Năm 2005, sau khi 1.500 trẻ em tử vong, chính phủ Ấn Độ đã nhập khẩu vaccine từ Trung Quốc và dự án tiêm vaccine bắt đầu được lập. Tuy nhiên, năm nay vaccine vẫn chưa được phổ biến ở nhiều vùng. Nhiều bậc cha mẹ phản ánh rằng khu vực của họ không hề có vaccine phòng bệnh.