Đón mưa sao băng đầu tiên của năm mới

  •  
  • 170

Đêm 3/1, rạng sáng 4/1, người yêu thiên văn có cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng Quadrantids - trận mưa sao băng đầu tiên của năm 2022.

Mưa sao băng

Mưa sao băng Quadrantids, còn mang tên Thước Tứ Phân, là trận mưa sao băng khá đẹp với tần suất cực đại có thể đạt tới 40 vệt sao băng/giờ. Bắt nguồn từ các hạt bụi để lại bởi sao chổi 2003 EH1, các sao băng Quadrantids thường xuất hiện từ ngày 1-5/1 hằng năm, đạt cực đại vào đêm 3, rạng sáng 4/1 (đêm thứ Hai, rạng sáng thứ Ba tuần tới).

Năm nay, thời điểm diễn ra mưa sao băng Quadrantids trùng với đầu tháng âm lịch, Mặt Trăng sẽ không gây cản trở việc quan sát. Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm, chọn nơi ít ánh sáng đèn và ô nhiễm không khí.

Sau mưa sao băng Quadrantids, phải chờ đến cuối tháng 4, người yêu thiên văn mới có cơ hội chiêm ngưỡng thêm một trận mưa sao băng khá đẹp là mưa sao băng Thiên Cầm (Lyrids), đạt cực đại vào đêm 22, rạng sáng 23 tháng 4 với tần suất khoảng hơn 20 vệt sao băng/giờ.

Ngoài ra, trong năm 2022, người yêu thiên văn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hai trận mưa sao băng lớn nhất năm gồm mưa sao băng Anh Tiên (Perseids), đạt cực đại vào đêm 12, rạng sáng 13 tháng 8 với tần suất lên đến 60 sao băng một giờ.

Tiếp đó là mưa sao băng Song Tử (Geminids) diễn ra hằng năm từ ngày 7 - 17/12, đạt cực đại vào đêm 13, rạng sáng 14/12 với tần suất có thể lên đến 120 sao băng/giờ.

Các trận mưa sao băng thường được quan sát tốt nhất vào thời gian sau nửa đêm. Lưu ý, xem dự báo thời tiết trước khi quan sát.

Cập nhật: 02/01/2022 Dân Trí
  • 170