Dùng bẫy tình diệt 'ma cà rồng nước'

  •   4,85
  • 4.902

Nhờ một hóa chất tổng hợp, các nhà khoa học Mỹ có thể tiêu diệt loài cá hung hãn chuyên sống nhờ máu của các loài khác, thủ phạm gây sự suy giảm lượng cá nước ngọt tại vùng hồ lớn nhất nước Mỹ. 

Một con cá mút đá biển ở vùng Great Lakes. Ảnh: arkive.org.


Cá mút đá biển (còn được gọi là cá ma cà rồng nước) là loài sống ký sinh trên các động vật sống trong vùng hồ Great Lakes (gồm 5 hồ nước ngọt ở vùng giáp ranh giữa Mỹ và Canada). Vòng đời tự nhiên của cá mút đá biển diễn ra ở cả môi trường nước ngọt và nước mặn. Chúng được sinh ra ở suối và lớn lên ở đại dương.

Trước kia cá mút đá biển chỉ xuất hiện trong Đại Tây Dương, nhưng chúng vô tình lọt vào vùng Great Lakes sau khi người ta đào kênh Erie để nối vùng này với New York vào đầu thế kỷ 19. Khả năng thích nghi cực cao giúp cá mút đá tồn tại được trong môi trường nước ngọt. Trong đại dương cá mút đá biển là đối tượng ăn thịt của nhiều loài cá. Nhưng trong vùng Great Lakes chúng không bị bất kỳ loài nào săn đuổi.

Răng của cá mút đá biển mọc dày xung quanh miệng. Khi đói chúng dùng miệng để bám vào da loài cá khác và đưa chiếc lưỡi nhọn lách qua những chiếc vảy để hút máu. Thông thường con mồi thường mất mạng sau bữa tiệc máu của cá mút đá.

Quá trình “xâm lược” của cá mút đá biển ở Great Lakes hoàn thành khi người ta đào thêm một số kênh khác để kết nối các hồ với nhau vào đầu thế kỷ 20. Ngay sau đó, số lượng các loài cá bản địa giảm nhanh chóng. Trong suốt cuộc đời ký sinh, mỗi con cá mút đá có thể ăn tới 20 kg thịt của các loài cá khác. Nếu quy ra tiền, lượng cá bản địa bị cá mút đá tiêu diệt mỗi năm có thể lên tới vài tỷ USD. Theo tính toán của các nhà khoa học, nỗ lực khống chế sự hoành hành của cá mút đá lên tới 20 triệu USD mỗi năm. 

Xác hai con cá bị cá mút đá hút máu. Ảnh: biology.duke.edu.


Đến giai đoạn động dục, cá mút đá tìm một dòng suối để sinh sản rồi chết. Cá hồi luôn quay về dòng suối mà chúng từng được sinh ra để đẻ con, nhưng cá mút đá “dễ tính” hơn nhiều, bởi chúng sẵn sàng đẻ trứng ở mọi dòng suối nếu thấy phù hợp. Nhiều nhà khoa học cho rằng các pheromone tình dục giúp cá mút đá biển lựa chọn dòng suối phù hợp cho việc sinh sản.

Người ta đã tiến hành nhiều biện pháp để tiêu diệt cá mút đá, như phun hóa chất xuống suối, đặt lưới ở hạ nguồn suối để ngăn chặn sự di cư của chúng, thả những con đực không có khả năng sinh sản để giảm cơ hội giao phối của con cái. Tuy nhiên, những biện pháp này không mang lại kết quả khả quan.

Một số chuyên gia của Đại học Michigan (Mỹ) nảy ra ý tưởng dùng pheromone tình dục để tiêu diệt cá mút đá biển. "Các nhà khoa học từng tiến hành nhiều nghiên cứu về pheromone ở động vật, thậm chí con người. Nhưng họ đều giả định rằng hành vi của động vật khá phức tạp và chịu tác động của nhiều yếu tố, chứ không chỉ riêng pheromone", giáo sư Weiming Li, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. 

Miệng của cá mút đá. Ảnh: umich.edu.


Weiming và cộng sự tổng hợp một hoóc môn do cá mút đá biển đực tiết ra khi động dục. Họ đặt bẫy tại một nơi mà cá mút đá tới sinh sản rồi đưa hoóc môn vào bẫy.

“Chúng tôi nghĩ tới việc bẫy cá mút đá bằng pheromone vì nhiều nhà khoa học đã áp dụng biện pháp đó với côn trùng. Lũ cá cái sẵn sàng lao tới những dòng suối có lợi cho việc sinh sản nếu ngửi thấy mùi pheromone tình dục. Chúng tôi lợi dụng hành vi đó để đặt bẫy”
, Weiming nói.

Kết quả cho thấy những con cá mút đá cái hối hả bơi tới dòng suối khi ngửi được mùi hoóc môn. Một số con chui vào bẫy. Nhóm của Weiming sẽ tiến hành một thử nghiệm lớn hơn, trong đó họ dùng pheromone để bẫy cá mút đá cái ở 20 dòng suối đổ vào các hồ. Dự kiến thử nghiệm này sẽ diễn ra trong 3 năm.

Theo VnExpress (BBC)
  • 4,85
  • 4.902