Vì sao mukbanger vẫn gầy gò dù ăn khẩu phần của 10 người

  •   2,52
  • 3.897

Dù nổi tiếng với khả năng "ăn thùng uống vại", nhiều mukbanger vẫn không hề tăng cân, thường xuyên khoe thân hình mảnh mai, thon gọn.

Trong một chương trình truyền hình hồi tháng 2, Tzuyang, mukbanger nổi tiếng nhất Hàn Quốc với gần 8 triệu người đăng ký trên kênh cá nhân, gây tranh luận khi chia sẻ sức khỏe mình tốt lên, thậm chí giảm được cân dù ăn uống vô độ và hoàn toàn không tập thể dục.

Các mukbanger có thể giảm cân dù ăn rất nhiều.
Các mukbanger có thể giảm cân dù ăn rất nhiều.

Trước đó, các mukbanger nổi tiếng khác như Banzz hay Boki cũng thu hút sự chú ý khi khoe ngoại hình thon gọn, 6 múi.

Theo Craveonline, mukbang là từ ghép của "mukja” (ăn uống) và “bangsong” (phát sóng), tức là nghề vừa ăn, vừa quay trực tiếp. Các mukbanger thường được biết đến với khả năng "ăn thùng uống vại", tiêu thụ lượng thức ăn khổng lồ trước máy quay.

Khi những người này chia sẻ hình chụp vóc dáng thon gọn, săn chắc, thậm chí gầy gò, nhiều khán giả tỏ ra bất ngờ, cũng như nghi hoặc. Một số chuyên gia y tế, bác sĩ đã thử giải thích hiện tượng này dưới góc nhìn khoa học.

Ăn khẩu phần 10 người nhưng không tăng cân

Seo Jae Gul, bác sĩ y khoa, người tạo ra clip trên YouTube đề cập đến các chủ đề sức khỏe mà mọi người tò mò, so sánh dạ dày của con người như một quả bóng.

Thông thường, dạ dày dẹt chỉ bằng một nửa kích thước của chiếc cốc giấy. Nhưng khi thức ăn được nạp vào, nó căng ra và thậm chí có thể chứa một chai nước 2 lít.

Dạ dày có thể căng lên gấp khoảng 50 lần kích thước ban đầu. Tuy nhiên, ông Seo nhấn mạnh rằng nếu dạ dày căng trong một thời gian dài sẽ dần mất đi khả năng co lại.

 Tzuyang nổi tiếng với khả năng ăn khẩu phần của 9-10 người.
Tzuyang nổi tiếng với khả năng ăn khẩu phần của 9-10 người.

Vậy tại sao các mukbanger dường như không tăng cân, dù liên tục ăn khẩu phần lớn? Theo bác sĩ Seo, điểm mấu chốt là những người này không giữ thức ăn ở dạ dày trong một thời gian dài.

Tzuyang từng chia sẻ về "bí quyết" giảm cân này. Ông Seo so sánh phương pháp này với việc đổ nước vào một cái lọ có vết nứt ở đáy. "Mọi người có thể ăn thức ăn không ngừng nếu họ liên tục thải mọi thứ ra ngoài để nhanh chóng làm rỗng dạ dày".

Bác sĩ giải thích rằng con người tăng cân khi cơ thể tích trữ thức ăn dưới dạng chất béo. Mặt khác, nếu thức ăn được đưa ra ngoài ngay lập tức, nó sẽ không biến thành chất béo dự trữ.

Tác hại

Theo bác sĩ Seo, nếu thức ăn được tống ra ngoài quá nhanh, cơ thể sẽ không hấp thụ tốt thức ăn, kể cả chất dinh dưỡng.

Tzuyang từng chia sẻ rằng cô không có đường ruột khỏe mạnh. Đó là lý do cô thường xuyên chạy vào nhà vệ sinh khi đang ăn. Theo ông Seo, đây có thể là dấu hiệu cho thấy đường ruột không hấp thụ được chất dinh dưỡng từ thức ăn.

Bác sĩ cũng nói thêm rằng không phải tất cả trường hợp mukbanger ăn nhiều nhưng không tăng cân đều giống trường hợp của Tzuyang. "Lý do còn tùy thuộc vào từng kiểu cơ thể khác nhau".

Ví dụ, Kim Dong Eun, huấn luyện viên sức khỏe nổi tiếng với những màn mukbang, được biết với khả năng ăn nhiều nhưng không tăng cân. Cô cao 1,60 m, nặng 52 kg.

Theo bác sĩ, Kim có thể duy trì cân nặng là nhờ tập luyện, vận động nhiều. Cô có tỷ lệ cơ bắp, trao đổi chất cơ bản (BMR) khá cao.

 Nhiều mukbanger không tăng cân dù thường xuyên phát sóng cảnh ăn uống vô độ.
Nhiều mukbanger không tăng cân dù thường xuyên phát sóng cảnh ăn uống vô độ.

Một ví dụ khác mà bác sĩ đưa ra là Hyun Joo Yup, cựu cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp và hiện là nhân vật truyền hình nổi tiếng. Cựu VĐV cao 1,96 m, có khung người to và đây là lý do khiến anh có thể ăn rất nhiều thức ăn.

Mặc dù vậy, Hyun Joo Yup vẫn là kiểu người dễ tăng cân vì cơ thể anh hấp thụ tốt thức ăn và không đào thải ra ngoài nhanh chóng như Tzuyang. Anh cũng không có nhiều cơ bắp như Kim Dong Eun.

Một lý do khác khiến mọi người dễ tăng cân là bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo của cơ thể về cảm giác no bụng.

"Chúng ta có một "công tắc" ngăn chặn sự thèm ăn. Nếu chúng ta lấp đầy 60-70% dạ dày, cơ thể sẽ phát tín hiệu: "Bạn no rồi! Đừng ăn nữa". Lúc này, hormone Leptin tiết ra. Nó làm cho bạn cảm thấy no. Tuy nhiên, nếu bạn ăn quá nhanh, cơ thể sẽ không kịp gửi tín hiệu", bác sĩ Seo nói.

Mỗi người có một loại dạ dày với tốc độ trao đổi chất, trọng lượng, quá trình tiêu hóa khác nhau. Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu cơ thể của chính mình.

"Có những người tăng cân dù ăn ít, nhưng cũng có những người không thể hấp thụ chất dinh dưỡng dù ăn nhiều. Đừng ghen tị với mukbanger mà hãy tìm hiểu xem bạn thuộc loại nào và cách ăn nào sẽ phù hợp với mình để có một dạ dày, cơ thể khỏe mạnh".

Cập nhật: 24/07/2024 Zing
  • 2,52
  • 3.897