Công nghệ làm tan chảy bụi Mặt Trăng sẽ là bước tiến mạnh mẽ và đầy sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ của nhân loại.
Bụi là một vấn đề khó giải quyết đối với những cuộc thám hiểm Mặt Trăng, bởi trên vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất này, bụi không chỉ có thể gây hại cho sức khỏe của phi hành gia, mà còn tích tụ vào các thiết bị và gây ra nhiều vấn đề lỗi công nghệ.
Mới đây, các nhà khoa học Đức đã đưa ra một ý tưởng để tận dụng bụi trên Mặt Trăng: làm tan chảy bụi bằng laser và sử dụng nguồn vật liệu mới này cho các công cụ và thiết bị in 3D.
Do chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và thiết bị lên Mặt Trăng là vô cùng tốn kém, nên việc tìm ra phương thức sản xuất vật liệu trong môi trường Mặt Trăng là bước tiến mới của nhân loại, và khả năng in bất cứ thứ gì cần thiết theo yêu cầu sẽ vô cùng có lợi.
Các nhà khoa học Đức đã nghiên cứu công nghệ làm tan chảy bụi Mặt Trăng trong phòng thí nghiệm với vật liệu giống với đất Mặt Trăng nhất có thể. Có tên là MOONRISE, thiết bị nặng khoảng 3kg và có kích thước như một bịch nước ép lớn.
Bức ảnh chụp mô tả khái niệm về hoạt động của MOONRISE trên Mặt Trăng cho thấy thiết bị này có đầu chiếu laser được bật, chiếu thẳng xuống mặt đất để làm tan bụi. Đây là một tiến bộ về khoa học kỹ thuật thực thụ chứ không phải công nghệ kiểu kỹ xảo điện ảnh trong loạt phim Điệp viên 007 về James Bond.
Trong tương lai, công nghệ này có thể được mở rộng để cho phép sản xuất các vật thể phức tạp hơn.
Theo các nhà khoa học Đức, MOONRISE có thể làm tan chảy các vật liệu mặt trăng bằng cách sử dụng tia laser và định hình chúng thành các cấu trúc mới. Nhưng để đánh giá hiệu quả thực tế, sẽ cần phải thực nghiệm thiết bị này trong môi trường Mặt Trăng thực sự.
Hiện tại, mục đích chính của việc in ấn 3D trên Mặt Trang là sản xuất các vật thể đơn giản như gạch để xây dựng các cấu trúc. Trong tương lai, công nghệ có thể được mở rộng để cho phép sản xuất các vật thể lớn hơn và phức tạp hơn.
Mục tiêu để phát triển công nghệ tan chảy bụi Mặt Trăng là chuẩn bị sẵn sàng cho sứ mệnh chinh phục Mặt Trăng PTSellectists của Đức sẽ khởi động vào năm 2021. Đây là mốc thời gian đầy tham vọng cho một công nghệ mới.
Giáo sư Ludger Overmeyer từ Lazer Zentrum Hannover cho biết: “thời gian là rất ngắn để làm cho quá trình này an toàn, để thiết lập và thử nghiệm laser thích hợp trong khi vẫn giữ ngân sách vừa phải. Nhưng chỉ có những người cố gắng làm điều không thể mới có cơ hội đạt được nó”.
Các nhà khoa học Đức tin rằng, những lợi ích tiềm năng của công nghệ này sẽ khiến nỗ lực đáp ứng thách thức trở nên đáng giá.
“Thông tin cơ bản mới chỉ có thể đạt được nếu các nhà khoa học và những người ủng hộ họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro” - Tiến sĩ Wilhelm Krull, Tổng thư ký của Quỹ Foundation tài trợ cho dự án này tuyên bố.
“Ngay cả khi kết quả của các thí nghiệm vẫn chưa rõ ràng, Quỹ muốn kiên quyết đặt ra con đường cho những ý tưởng nghiên cứu đầy táo bạo như thế này", Tiến sĩ Wilhelm Krull cho hay.