Dược thảo trị chấn thương và vết thương phần mềm

  •  
  • 2.303

Nõn chuối tiêu, lá trầu không, bèo cái, lá sắn dây, nõn dứa... là những vị thuốc quen thuộc, dễ kiếm nhưng lại chữa rất hiệu quả các vết thương phần mềm và chấn thương.

Cũng như y học hiện đại, cách chữa các vết thương phần mềm của y học cổ truyền cũng là cầm máu, rửa sạch vết thương, làm mất các mô hoại tử, làm mọc mô hạt, liền vết thương. Đặc điểm của cách chữa cổ truyền là áp dụng đồng thời các phương thuốc uống có tác dụng toàn thân để thúc đẩy liền vết thương và làm mất các mô hoại tử, kích thích mọc mô hạt, làm liền da (sinh cơ). Kết quả điều trị tốt và tương đối nhanh.

Chữa vết thương phần mềm

Cầm máu nếu có chảy máu: Dùng nõn chuối tiêu (lấy cây non cao độ 60 cm, cắt sát gốc, bỏ bẹ ngoài, cắt từng đoạn 3-4 cm), rửa sạch, giã nhỏ đắp vào vết thương chảy máu rồi băng lại.

Rửa sạch vết thương: Sau khi cầm máu, rửa vết thương bằng nước thuốc: Lá trầu không tươi 40 g, đun sôi với 2 lít nước trong 15 phút, để nguội cho thêm 6 g phèn phi, hòa tan, lọc rồi rửa vết thương.

Làm sạch vết thương: Làm sạch vết thương, hết nhiễm khuẩn và mủ tại chỗ, mất mô hoại tử và mùi hôi: Lá mỏ quạ tươi rửa sạch, giã nát đắp vào vết thương. Mỗi ngày thay một lần đến khi vết thương sạch, màu đỏ tươi.

Làm chóng mọc mô hạt, sinh cơ và chóng liền da: Lá mỏ quạ, lá bòng bong, lá nọc sởi dùng tươi với lượng bằng nhau, bỏ cọng, rửa sạch, giã nát đắp vào vết thương, hai ngày thay băng một lần.

Các bài thuốc uống có tác dụng toàn thân:

Chống khát do mất máu: Lá sắn dây rửa sạch, giã nát cho vào một bát nước đun sôi để nguội, thêm ít đường và vài hạt muối, uống ngày một lần.

Làm mát máu tiêu độc, chống viêm nhiễm: Lá mặt quỷ (sao vàng) 40 g, nõn dứa dại 12 g, cánh bèo cái 8 g, gừng sao cháy 4 g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa nhiễm khuẩn quanh vết thương: Lá cúc tần 40 g, lá xạ can 20 g. Rửa sạch, giã n hỏ, đắp lên chỗ lở loét quanh vết thương.

Chữa đụng dập, bầm máu, sưng tấy đau

Rượu xoa bóp làm khí huyết lưu thông, tiêu viêm, giảm đau, giãn gân cơ: Ô đầu, huyết giác mỗi vị 40 g, nghệ già 30 g; thiên niên kiện, địa liền mỗi vị 20 g; long não 15 g; đại hồi, quế chi mỗi vị 12 g. Tán nhỏ các vị thuốc, ngâm với một lít rượu trong một tuần. Lọc bỏ bã, thêm rượu cho vừa đủ một lít. Xoa nhẹ nhàng lên chỗ bị sưng đau.

Thuốc bôi đắp làm khí huyết lưu thông, tiêu viêm, giảm đau: Bột cúc tần 800 g, bột quế chi 160 g, bột đại hoàng 80 g, sáp ong 200 g, dầu thầu dầu 2 lít. Các vị trên tán nhỏ, rây thành bột mịn, đun sôi dầu thầu dầu, cho sáp ong vào, đánh tan, rồi tắt lửa, cho bột thuốc vào đánh nhuyễn làm thành cao. Dùng đắp.

Hoặc: Ngưu tất, hồng hoa, ô đầu, bán hạ, bạch phụ tử, địa liền, thương truật, đậu khấu, mỗi vị 15 g, sáp ong 20g, dầu thầu dầu 20 0ml. Tất cả các vị sao, tán thành bột, cho vào dầu thầu dầu và sáp ong nấu thành cao. Dùng vừa xoa vừa đắp.

Thuốc uống trong làm khí huyết lưu thông, tiêu viêm: Lá móng tay, ngải cứu, huyết giác mỗi vị 12 g; tô mộc 10 g; nghệ 8 g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa sai khớp và bong gân

Các khớp sau khi đã chỉnh hình theo phương pháp y học hiện đại, được đắp tại chỗ các vị thuốc làm lưu thông khí huyết, tiêu viêm, giảm đau:

- Cây cỏ lào, dùng lá non và cành rửa sạch, sao nóng đắp vào vết thương rồi băng chặt.

- Vòi voi (lá và hoa) 30 g, tỏi 1 củ, muối ăn 10 g. Tất cả rửa sạch, giã nát đắp vào chỗ sưng tấy, băng chặt.

- Đu đủ xanh, lá na (mãng cầu) mỗi vị 10 g, muối ăn, vôi tôi, mỗi vị 5 g. Giã nhỏ cho vào gạc đắp lên vết thương, băng lại.

- Nghệ già 20 g, lá cúc tần, lá trầu không, lá xạ can, mỗi vị 12 g. Giã nát trộn với một ít giấm, bọc gạc đắp lên nơi sưng đau, 2-3 ngày thay băng một lần.

- Lá náng rửa sạch, giã nát, chưng nóng với giấm mà chườm đắp để chữa bong gân.

- Củ nâu, cỏ nọc sởi, cỏ chó đẻ răng cưa, lượng bằng nhau, rửa sạch, giã nát mà đắp lên trị sai khớp.

- Lá cà độc dược, lá dây đau xương, rửa sạch, giã nát, chưng nóng với giấm và đắp để giảm đau.

- Cốt toái bổ tươi, bóc bỏ hết lông tơ và lá khô, rửa sạch, giã nhỏ, dấp nước, gói vào lá chuối đã nướng cho mềm, đắp lên các chỗ đau, bó lại. Thay thuốc bó nhiều lần trong ngày, và thường đắp trong 3-7 ngày, để chữa bong gân tụ máu.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống
  • 2.303