Chụp được ảnh loài chim được mệnh danh “chúa tể bầu trời” đã khó, săn được cảnh chúng đang bắt mồi càng khó hơn, nếu không nói là giấc mơ suốt đời của những nhà nhiếp ảnh thiên nhiên muốn có tác phẩm đỉnh cao.
Ở Việt Nam, giấc mơ ấy càng khó thành hiện thực. Đạo diễn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hoài Phương phải mất khoảng tám năm lặn lội theo dấu vết đại bàng mới có được những bức ảnh giới thiệu với bạn đọc dưới đây.
Ngoài đôi mắt tinh tường, đại bàng có bộ móng vuốt sắc nhọn giúp chúng dễ dàng tóm gọn con mồi, dù đó là rắn dữ, cá đang bơi dưới nước, hay chim đang bay tốc độ cao…
Khi đại bàng phát hiện con mồi, chúng lao đi với tốc độ đến 250km/h. Nếu đang lượn trên trời cao thì chúng xếp cánh lại lao xuống tạo ra tiếng xé gió khiến con mồi kinh hồn chết điếng trước khi bị tóm.
Hố thị giác của người có khoảng 200.000 tế bào hình nón trên mỗi milimét, nhưng không thấm vào đâu so với mắt của đại bàng, với 1 triệu tế bào hình nón trên mỗi milimét! Do vậy ở khoảng cách 1.600m đại bàng vẫn có thể nhìn thấy một con chuột.
Cũng như các loài chim thuộc bộ cắt, đại bàng săn mồi dũng mãnh bao nhiêu thì trong cuộc sống gia đình chúng "tình cảm" bấy nhiêu. Trong những tháng chuyền cành đầu tiên, đại bàng con chỉ đi theo mẹ để học cách săn mồi. Mồi săn được chim mẹ sẽ trực tiếp mớm cho chim con từng chút. Khoảng 12 tháng sau, khi chim non thuần thục cách săn mồi thì mới được chim mẹ cho "ra riêng tự lập".
Mỗi đôi chim đại bàng cần một diện tích rừng đến 50km2 để làm môi trường săn bắt nuôi sống gia đình. Với quy mô phá rừng ngày càng lớn của con người, động vật rừng cạn kiệt, môi trường sống bị thu hẹp nghiêm trọng, loài mãnh điểu này đang có nguy cơ chết đói.
Đại bàng còn biết phối hợp săn mồi tập thể, biết lao đến từ hướng ngược nắng để con mồi chói mắt không thể phát hiện.