Giáo sư Abul Hassam và phát minh lọc thạch tín cho nước giếng

  •  
  • 405

Với phát minh hệ thống lọc thạch tín cho nước giếng ít tốn kém và dễ sử dụng, giáo sư hóa học Abul Hassam ở Đại học George Mason đã giành giải thưởng Thách thức Grainger 2007 trị giá 1 triệu USD do Viện Hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Mỹ trao tặng. Hiện nay, hơn 30.000 máy lọc thạch tín của giáo sư này đang được sử dụng tại Bangladesh - quê hương ông - góp phần giảm thiểu nguy cơ mắc những căn bệnh do nhiễm thạch tín từ nguồn nước sinh hoạt.

Giáo sư Adul Hassam đang đổ nước vào hệ thống lọc thạch tín.

Giáo sư Adul Hassam đang đổ nước vào hệ thống lọc thạch tín. (Ảnh: Baocantho) 

Ông Hassam sang Mỹ định cư năm 1978 và sau đó lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành hóa phân tích. Từ đó, ông ưu tiên dành thời gian cho việc tìm tòi giải pháp cho vấn đề giếng nước nhiễm thạch tín ở Bangladesh và Ấn Độ. Theo ông, các cơ quan cứu trợ quốc tế không nhận thức được rằng nguồn nước ngầm trong các giếng nước mới nơi có nồng độ thạch tín cao gây ngộ độc. Khi tỷ lệ bệnh lây nhiễm qua nguồn nước bẩn giảm, những bệnh về da liên quan đến thạch tín, gây ung thư và tử vong, bắt đầu gia tăng ở các nước Nam Á vào những năm 1990.

Allan Smith, chuyên gia dịch tễ học của Đại học California cho biết vấn đề ngộ độc thạch tín đang ảnh hưởng hàng triệu người toàn cầu và rất khó thuyết phục mọi người rằng một nguồn nước trông có vẻ sạch có thể gây chết người.

Nhận thấy tác hại của thạch tín đối với sức khỏe, giáo sư Hassam bỏ ra nhiều năm liền thử nghiệm hàng trăm hệ thống lọc trước khi đi đến phát minh cuối cùng. Đó là hệ thống đơn giản không đòi hỏi chi phí bảo dưỡng sử dụng cát, than, gạch và sắt vụn. Khoảng 200 hệ thống lọc đang được làm ra mỗi tuần ở Bangladesh với chi phí 40 USD/cái. Giáo sư Hassam định dùng 25% tiền thưởng để đầu tư nghiên cứu thêm về những tác hại của thạch tín và số còn lại để tặng máy lọc cho các cộng đồng nghèo trên khắp thế giới.

THÁI AN

Theo MSNBC, Reuters, Báo Cần Thơ
  • 405