Giống và mùa vụ lúa đông xuân

  •  
  • 1.865

VỚI SỰ THAM GIA:

* TS. Phạm Văn Dư - Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL.
* KS. Nguyễn Thuần Khiết - PGĐ Trung tâm NC & SX giống, Công ty CP BVTV An Giang.
* ThS. Nguyễn Văn Minh - Công ty Syngenta Việt Nam.
* KS. Tiêu Minh Tâm - Trưởng Phòng Chuyển giao kỹ thuật, Công ty CP BVTV An Giang - Đại diện cho đơn vị phối hợp thực hiện chương trình.

Hỏi: Nguy cơ hiện nay và cơ chế lan truyền dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá từ vụ lúa này sang vụ lúa khác?

* Đáp (TS. Phạm Văn Dư): Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, thì bà con không nên xuống giống lúa vụ 3. Nhưng thực tế hiện nay, trà lúa này còn trên đồng và có khoảng 60 ngàn hecta lúa đang nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá rất nặng. Đây là nguy cơ rất rõ về rầy nâu sẽ chích hút những cây lúa này truyền bệnh sang trà lúa đông xuân.

Theo dự báo của Cục BVTV phía Nam, cuối tháng 10 sẽ có đợt gió mùa Đông Bắc thổi về và rầy nâu sẽ theo gió di chuyển từ các tỉnh miền Đông về các tỉnh miền Tây trong khoảng giữa tháng 11. Rầy nâu di chuyển rất xa khoảng 300-500km thì không có nơi nào ở ĐBSCL có thể tránh được rầy lây lan mầm bệnh. Do đó, bà con cần hết sức thận trọng, cố gắng tiêu hủy triệt để các trà lúa đang bị bệnh, nhất là lúa chét và các ruộng lúa bệnh không thu hoạch được. Với sự di chuyển của rầy nâu cần có sự theo dõi chặt chẽ bằng việc bố trí bẫy đèn. Thời điểm xuống giống an toàn nhất là tính cách né đợt rầy nâu di trú đến, gieo sạ sớm để khi rầy đến ruộng lúa đã được từ 30 ngày trở đi thì khả năng thiệt hại sẽ thấp, hoặc có thể gieo sạ muộn hơn sau đợt rầy nâu di chuyển.

Bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá không có lưu trữ trong đất, do đó khi gieo sạ tiếp cây lúa không bị ảnh hưởng, nên chúng ta chỉ cần quan tâm đến rầy nâu.

Hỏi: Xin giới thiệu các giống lúa kháng rầy phù hợp trồng trong vụ đông xuân?

* Đáp (KS. Nguyễn Thuần Khiết): Hiện nay không có giống lúa nào kháng rầy mạnh, mà chỉ có những giống kháng trung bình hay những giống ít nhiễm rầy. Ví dụ nếu giống bình thường mật số rầy 15 con thì giống ít nhiễm rầy mật số chỉ 3-5 con;

(Ảnh: tropicalisland)

hoặc trong trường hợp mật số rầy cao thì giống bình thường có khi mật số 30-50 con, trong khi giống ít nhiễm mật số khoảng 10-15 con và trường hợp áp lực rầy cao vẫn phải chú ý phòng trừ đối với các giống ít nhiễm. Tuy nhiên, nếu sử dụng các giống ít nhiễm việc phòng trừ rầy nâu sẽ dễ dàng hơn, cơ hội ruộng lúa ít nhiễm bệnh vàng lùn và ít thiệt hại hơn những ruộng trồng giống lúa bình thường. Những giống ít nhiễm rầy hiện nay bao gồm: OM 4088, OM 4498, OM 2395 nhưng số lượng các giống này ở ĐBSCL rất ít, nên trong vụ đông xuân này bà con có thể chọn lựa những giống đã trồng ở những vụ trước đây bị nhiễm vàng lùn ít, như: OM 576, IR 50404, VND 95-20, IR 64.

Hỏi: Ruộng lúa bị vàng lùn khoảng 80%, đã cày vùi bỏ đi, sau đó bón vôi, 2 tháng sau thì sạ lúa lại, xin hỏi có bị vàng lùn nữa hay không?

* Đáp (ThS. Nguyễn Văn Minh): Việc cày vùi ruộng lúa bị bệnh vàng lùn nặng để tiêu diệt triệt để mầm bệnh là việc làm rất tốt. Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá không lây lan qua nước, qua đất và xác bã thực vật đã cày vùi, nhưng cũng không thể khẳng định là vụ lúa sau sẽ không bị bệnh vàng lùn. Theo một số nhà khoa học thì có khoảng 2/3 rầy đến ruộng là mang mầm bệnh, nên trong vụ tới nếu có rầy di trú thì khả năng rầy truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá rất cao. Sau khi xuống giống bà con cần theo dõi chặt chẽ rầy di trú trên ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi thấy rầy di trú đến ruộng, bà con nên tham khảo ý kiến của cán bộ kỹ thuật địa phương để chọn thời điểm phun xịt. Bên cạnh đó, việc bón vôi như cách làm trong câu hỏi nêu ra là biện pháp tốt, cũng cần lưu ý vấn đề ngộ độc hữu cơ. Vì trong khoảng 2 tháng vùi lúa bệnh và ngâm trong nước, thân lúa có thể mục nhưng lượng chất hữu cơ còn nằm dưới đất khá lớn, có thể cung cấp lượng lân ngay từ đầu hoặc bón thêm vôi giúp cho quá trình phân hủy chất hữu cơ xảy ra nhanh hơn. Trong quá trình canh tác cần có những khoảng thời gian rút khô nước xen kẽ trên ruộng để các chất độc trong đất có điều kiện bốc hơi, giảm thiệt hại cho bộ rễ lúa. Thực tế tại một số địa phương trong thời gian qua, nếu ruộng lúa bị ngộ độc hữu cơ kết hợp với bệnh vàng lùn thì thiệt hại sẽ cao hơn.

Hỏi: Trên ruộng có rầy cánh ngắn, phun thuốc ngày hôm trước ngày hôm sau thấy có rầy cánh dài bay đến ruộng với mật số nhiều. Xin hỏi có cần phun thuốc lại ngay hay không, nếu phun nên dùng thuốc Actara hay Bassan?

* Đáp (ThS. Nguyễn Văn Minh): Trước đây khi chưa có dịch vàng lùn và lùn xoắn lá thì khi rầy di trú từ xa tới hầu như không gây ảnh hưởng đáng kể đến sự sinh trưởng của cây lúa. Nhưng với tình hình hiện nay chúng ta biết là 2/3 lượng rầy bay tới ruộng có mang mầm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá nếu mật độ cao chúng ta cần phải xử lý thuốc. Cả hai loại thuốc Actara và Bassan rất là phù hợp để trị rầy. Actara là loại thuốc có tính lưu dẫn và hiệu quả kéo dài nhưng chết chậm, nhưng đối với Bassan thì nó chết nhanh và hiệu quả tức thời. Có thể chia ra làm hai giai đoạn để bà con lựa chọn xử lý.

+ Nếu lúa còn nhỏ khoảng 1 tháng xuất hiện rầy di trú, có thể sử dụng thuốc Actara phù hợp hơn, vì thuốc an toàn cho thiên địch. Bên cạnh việc thuốc sẽ lưu dẫn vào bên trong cây khi rầy chích hút nó sẽ nhiễm độc và chết thì thuốc còn có đặc tính tiếp xúc, nghĩa là khi ruộng lúa còn thưa phun thuốc xuống tới gốc lúa con rầy tiếp xúc với thuốc qua da và bị chết. Rầy nhiễm thuốc Actara lập tức sẽ ngừng chích hút, cho nên khả năng làm lây lan cây lúa khỏe sẽ hạn chế đi.

+ Nếu rầy di trú tới ruộng lúa trên 40 ngày tuổi và mật số cao thì lúc này bà con nên sử dụng các loại thuốc có hiệu quả tức thời như Bassan.

Bên cạnh việc chọn đúng thuốc Actara, Bassan, việc sử dụng đúng lượng nước và phun cho tới gốc giúp cho thuốc phát huy hiệu quả. Bà con nên tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, vì đây là điều kiện giúp cho thuốc phát huy cao, khả năng quản lý dịch hại trên đồng ruộng đạt tới mức tối hảo.

Hỏi: Làm lúa chất lượng cao thì dễ bị bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, tôi muốn sử dụng giống kháng IR50404 sạ cho vụ đông xuân tới, cho lời khuyên? Giữa chọn giống IR50404 và Jasmine 85 chất lượng gạo tốt, nên chọn loại nào, nếu chọn giống Jasmine nên làm gì để hạn chế bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá? Giống kháng rầy có kháng được bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá hay không?


* Đáp (KS.Nguyễn Thuần Khiết): Trong nhiều năm qua, giống IR 50404 và Jasmine nhiễm vàng lùn tương đối gần giống như nhau, nên cả hai giống này bà con đều có thể trồng trong vụ đông xuân. Tuy nhiên để sản xuất an toàn vụ đông xuân, bà con cần sử dụng biện pháp tổng hợp. Thứ nhứt là thời điểm xuống giống, nếu những vùng kế bên đang thu hoạch thì rầy sẽ bay tới ruộng mình và nguy cơ truyền bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá rất nhanh. Thứ hai, xử lý hạt giống bằng thuốc Actara hoặc Cruiser để giúp cây lúa khỏe mạnh hơn đồng thời ngăn ngừa được bù lạch, rầy nâu giai đọan đầu. Một trong những kết quả chúng tôi thử nghiệm gần đây cho thấy rằng, nếu trong trường hợp xử lý hạt giống bằng thuốc Cruiser, 5 ngày sau khi xử lý hạt giống có rầy di trú tới ruộng thì tỷ lệ rầy chết tới 90-100%, nếu 15 ngày sau khi xử lý mà rầy chửa đến ruộng thì tỷ lệ rầy chửa chết giảm hơn nhưng vẫn còn ở mức 70-90%, có nghĩa là thuốc Cruiser không hoàn toàn ngăn chặn rầy nâu trong giai đoạn đầu nhưng nó góp phần trong việc ngăn chặn rầy nâu. Do vậy, khi xuống giống trong giai đoạn đầu cần thường xuyên đi thăm đồng, trường hợp thấy rầy di trú có mang mầm bệnh tới ruộng mình là cần phải tiêu diệt ngay, thì sự lây lan cho vụ lúa sẽ ít hơn. Khi sử dụng thuốc trong giai đoạn này bà con phải lưu ý chọn thuốc có khả năng diệt trừ con rầy chửa, nhưng đồng thời có khả năng bảo vệ thiên địch trên đồng ruộng của mình. Actara là loại thuốc sử dụng tốt trong điều kiện này.

Giống kháng rầy chưa chắc kháng được bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, hiện nay không có giống kháng rầy triệt để mà chỉ có giống ít nhiễm rầy. Điều này có nghĩa là con rầy có khả năng tới ruộng mình, nếu mang mầm bệnh thì nó vẫn có thể truyền bệnh, do vậy dùng giống kháng rầy thì nguy cơ nhiễm vàng lùn ít hơn thôi.

Hỏi: Dự báo trong vụ đông xuân này sẽ có bao nhiêu đợt rầy nâu xuất hiện và vào thời gian nào?

* Đáp (ThS. Nguyễn Văn Minh): Điều kiện ĐBSCL giữa thời tiết vụ đông xuân, hè thu, thu đông không khác biệt rõ rệt, nên diễn biến của rầy nâu gần như tương tự nhau. Vòng đời của rầy nâu bình quân khoảng 25-30 ngày. Chính vì vậy vụ đông xuân thời gian sinh trưởng của cây lúa phần lớn là giống 90 -95 ngày, có khả năng sẽ có 3 lứa rầy xuất hiện. Nếu né được đợt rầy di trú ở giai đoạn lúa nhỏ thì sẽ giảm được 1 lứa rầy và có khả năng bị 2 lứa rầy còn lại. Trong vụ đông xuân tới, nếu như trung tuần tháng 11 có một lứa rầy di trú thì như vậy vào trung tuần tháng 12 cũng sẽ có lứa rầy trưởng thành xuất hiện trên đồng ruộng. Một kinh nghiệm có thể dự báo rầy nâu đến ruộng bằng cách theo dõi rầy nâu vào đèn: khi lượng rầy bay vào đèn cao thì khoảng 1 tuần sau trên đồng ruộng sẽ có lứa rầy cám nở ra.

Hỏi: Giống nếp nào kháng được rầy nâu? Theo khuyến cáo thì nên xuống giống đồng loạt để chia mật số rầy. Xin hỏi khi lấy ngót bằng thuốc Cruiser đến khi thấy có rầy dùng Actara và Bassan để quản lý rầy nâu giai đoạn đầu, cách sử dụng thuốc như thế có ngăn được bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá hay không?

* Đáp (KS. Nguyễn Thuần Khiết): Nếp cũng rất nhiễm rầy nâu nên cần theo dõi đồng ruộng thường xuyên và phòng trừ rầy nâu ngay từ đầu.

Nếu bà con đồng loạt xuống giống một lượt thì khi rầy nâu tới khu vực mình cũng chia ra mỗi người một ít, nên việc quản lý cũng dễ dàng hơn, thiệt hại do vàng lùn cũng ít. Thực tế cho thấy trên cùng cánh đồng những ruộng nào xuống giống sớm rầy nâu tới ruộng nhiều hơn và bệnh vàng lùn nhiều hơn. Nếu bà con xử lý Cruiser thì cây lúa sẽ mạnh mẽ hơn nhiều, thân lúa mập hơn, chiều cao cây cũng cao hơn 1-2 phân, bộ rễ dài và trắng hơn.

Theo dõi đồng ruộng thường xuyên, vì hiện nay rầy đến ruộng có trên 70% là mang mầm bệnh và cơ hội truyền bệnh rất cao, nên khi thấy rầy đến ruộng phải dùng thuốc để ngăn chặn. Loại thuốc sử dụng lúc này phải là loại thuốc có thể diệt được rầy chửa, rầy di trú nhưng có khả năng bảo vệ hệ thống thiên địch trên đồng ruộng.

Tóm lại: Dịch bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trong vụ đông xuân này là không thể tránh khỏi, chỉ có mức độ nặng hay nhẹ. Hiện nay chúng ta đang bắt đầu một vụ lúa mà trên ruộng có khoảng 60 ngàn hecta lúa đang bị bệnh, khả năng truyền bệnh này sang vụ đông xuân là rất lớn, do đó biện pháp tích cực nhất là trục vùi tất cả những ruộng lúa bị bệnh, nhất là cây lúa để chét... Nên gieo sạ đồng loạt trên diện rộng để cắt những cầu nối có thể từ ruộng này sang ruộng kia. Rầy nâu mang siêu vi khuẩn truyền bệnh và lây lan theo gió, bà con cần hết sức quan tâm đến chỉ đạo của các chi cục BVTV tỉnh, huyện; nhất là theo dõi hệ thống bẫy đèn. Bẫy đèn cho thấy ngày thứ nhứt rầy nâu đến trong thời gian lúa đã gieo sạ khoảng 10-15 ngày thì thiệt hại sẽ rất nghiêm trọng. Do vậy, bà con nên hết sức thận trọng thời gian gieo sạ làm sao có thể được trùng với thời gian rầy nâu di trú hoặc sau đó đôi ba ngày.

Canh tác theo chương trình 3 giảm 3 tăng, đặc biệt là lượng phân đạm nếu bón thừa thì cây lúa sẽ là nơi rất tốt cho rầy nâu có thể hấp thu các chất đạm trong cây và sẽ sinh sản nhiều.

Phun xịt trừ rầy nâu phải theo 4 đúng. Khi bà con thấy rầy nâu di trú ngoài ruộng bắt đầu từ ngày thứ nhứt thì chưa nên phun thuốc. Vì rầy nâu di chuyển vào buổi chiều tối, nó sẽ đáp xuống ruộng trong khoảng 8-9 giờ tối thì khả năng đã truyền virus xong rồi, sau đó nó cũng đẻ lứa trứng đầu rồi, nếu phun xịt rầy mẹ chết nhưng trứng rầy sẽ tiếp tục nở ra, do đó nên đợi lứa rầy cám thứ nhứt này sau 10-12 ngày bà con xịt một lần, như vậy khả năng sẽ tiêu diệt gọn.

BAN THƯ KÝ NHỊP CẦU NHÀ NÔNG

Theo Báo Cần Thơ
  • 1.865