Kính thiên văn Hubble của NASA vừa ghi lại những hình ảnh của ngôi sao HD 184738 đang chết dần. Quá trình này cũng sẽ diễn ra với Mặt trời của chúng ta trong tương lai.
Hình ảnh mới của Hubble cho thấy ngôi sao HD 184.738 (hay còn gọi là ngôi sao Campbell’s Hydrogen) nằm ở trung tâm của tinh vân hành tinh nhỏ trong chòm sao Cygnus (chòm sao Thiên Nga) đang đến ngày tận số.
Ngôi sao này có màu đỏ cam sáng là do khí nitơ và hiđro phát ra. HD 184.738 có khối lượng thấp, giống Mặt trời, đang trải qua quá trình giãn nở các lớp bên ngoài của nó.
Hình ảnh ngôi sao HD 184.738 đang bị hủy diệt. (Ảnh: Discovery)
Một điểm tương đồng kỳ lạ là những đám mây bụi bao quanh HD 184.738 có thành phần rất giống vật chất hình thành nên Trái đất. Các nhà khoa học không chắc chắn về nguồn gốc của lớp bụi này nhưng có thể dễ dàng tưởng tượng rằng đó là tất cả những gì còn sót lại của một quần thể các hành tinh.
Hình ảnh của HD 184.738 hiện tại cũng chính là những gì sẽ xảy ra với Mặt trời của chúng ta 5 tỉ năm nữa khi thiên thể này bị hủy diệt.
Khoảng 5 tỷ năm tới hoặc lâu hơn nữa, Mặt trời của chúng ta sẽ dùng hết khí hydro để tạo năng lượng và dần biến thành một hành tinh đầy khí Heli và nó bắt đầu bị phá hủy.
Lõi Mặt trời trở nên nóng hơn sẽ giãn nở ra, dần trở thành một ngôi sao khổng lồ với kích thước vươn đến tận quỹ đạo của Trái Đất và nuốt chửng hành tinh của chúng ta.
Các phản ứng hóa học liên tục diễn ra đến khi Mặt trời mất dần trọng lượng, chỉ còn phần lõi có kích thước tương tự Trái đất. Phần lõi dày đặc phát ra ánh sáng màu trắng được gọi là sao lùn trắng.