Hệ thống SEES xác định lượng năng lượng mặt trời chiếu xuống từ mái nhà

  •  
  • 562

Các nhà khoa học làm việc tại Đại học Gothenburg, Thụy Điển tuyên bố họ đã phát triển một công cụ có thể xác định chính xác lượng năng lượng mặt trời chiếu xuống: một mái nhà cụ thể, một khu phố hay trong toàn bộ một thị trấn.

"Các cấu trúc mái nhà của một thị trấn có phù hợp hay không cho việc cài đặt các tấm năng lượng mặt trời, tùy thuộc vào các yếu tố chẳng hạn như: một mái nhà bị che chắn bởi các tòa nhà xung quanh và cây cối; độ dốc của mái nhà và góc tới của ánh sáng mặt trời", theo Fredrik Lindberg, làm việc tại Phân Khoa Khoa học Trái đất, Đại học Gothenburg, Thụy Điển.

"Đây là lần đầu tiên mà các nhà khoa học có thể xác định chính xác rằng: một mái nhà thông thường có thể nhận tối đa bao nhiêu năng lượng mặt trời chiếu xuống trong suốt một năm", Fredrik Lindberg nói thêm.

Các nhà khoa học làm việc tại Đại học Gothenburg, Thụy Điển đã làm việc cùng với công ty tư vấn WSP để phát triển một hệ thống thông tin địa lý (GIS) có thể tính toán sự phù hợp của một mái nhà để gắn các tấm năng lượng mặt trời. Hệ thống này được gọi là SEES, có khả năng tính ra lượng năng lượng mặt trời mà các cấu trúc hiện tại có thể nhận được, hệ thống này sẽ được sử dụng miễn phí cho các công ty và các thành phố có nhu cầu.

Công cụ phần mềm này được tích hợp trên một máy tính GIS có chức năng: thu thập, lưu trữ, phân tích và trình bày dữ liệu địa lý. Điều này có nghĩa rằng công cụ phần mềm này sẽ mô phỏng mái nhà thực sự trong môi trường xung quanh; xây dựng mô hình 3D mô phỏng cách thức Mặt trời chiếu sáng các tòa nhà, trong điều kiện địa hình xung quanh và sự che chắn của cây cối.

Hiệu ứng đổ bóng (do bị che chắn bởi các tòa nhà xung quanh hay cây cối) có thể được tính toán cho từng tháng hoặc trong suốt một năm và điều này có nghĩa rằng các bộ phận nhất định của một mái nhà có thể trở nên không phù hợp cho việc thu thập năng lượng mặt trời, mặc dù mái nhà có cả hướng và độ dốc tối ưu. Bằng cách này, công cụ phần mềm có thể tính toán tổng lượng bức xạ năng lượng mặt trời trên mỗi một phần của một cấu trúc mái nhà trong một khu vực nhất định, chẳng hạn như tính ra cụ thể số kilowatt giờ điện thu được trên mỗi mét vuông.

Các nhà phát triển hệ thống SEES cam kết: hệ thống này có thể cung cấp một bản đồ phù hợp, dựa trên yêu cầu của người sử dụng để biết trước rằng lượng năng lượng mặt trời hàng năm có thể thu được ở mái nhà cụ thể này là ở mức tối ưu, trung bình hay nghèo nàn.

Lindberg cho biết: "Chúng tôi sử dụng thành phố Gothenburg như một thí điểm trong dự án, nhưng phương pháp này có thể được sử dụng trong tất cả các thành phố khác, nơi mà các dữ liệu cần thiết đã có sẵn".

Người sử dụng có thể đánh giá sự phù hợp của một mái nhà cho việc lắp đặt các tấm quang điện mặt trời hoặc các tấm năng lượng mặt trời cho nước nóng trên một phạm vi rộng dựa trên những dữ liệu có sẵn.

Hồ Duy Bình (Theengineer.co.uk)
  • 562