Hiểu thêm về bệnh trầm cảm

  •  
  • 2.782

Cuộc sống càng có nhiều áp lực, nguy cơ mắc bệnh trầm cảm càng cao. Do phải đối đầu với những đòi hỏi đi quá giới hạn bản thân, nhiều người không làm chủ được mình, bị suy sụp tinh thần. Lâu ngày, hệ lụy đó có thể khiến người ta rơi vào trạng thái thụ động trước cuộc sống.

Trầm cảm - bệnh không của riêng ai!

Thống kê mới nhất về số lượng người mắc bệnh trầm cảm trên toàn thế giới hiện nay là khoảng 100 triệu người, còn số lượng người bị trầm cảm ở mức vừa và nhẹ chắc chắn cao hơn rất nhiều.

Trầm cảm có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả tinh thần lẫn thể chất, song việc tự phát hiện hoặc được chẩn đoán và điều trị sớm không phải là chuyện dễ dàng đối với đa số người. Các triệu chứng biểu hiện của bệnh tuy đa dạng nhưng lại mang tính pha trộn và giấu mặt, vì thế người bệnh rất khó tự nhận biết kịp thời. Nhiều người còn ngộ nhận rằng mình hoàn toàn bình thường, dù đang bị trầm cảm ở mức độ gần tới ngưỡng nguy hiểm. Trên thực tế chỉ có khoảng 25 đến 30% số trường hợp trầm cảm được chẩn đoán và điều trị đúng lúc, số còn lại do vô tình hoặc cố tình “thỏa hiệp” với bệnh tình của mình và chấp nhận chịu đựng.

Bệnh trầm cảm đang dần trở nên phổ biến ở các nước đang phát triển. Phụ nữ thường có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp hai lần so với nam giới. Nguyên nhân, theo nhiều chuyên gia tâm lý, rất có thể là do bản tính của phái yếu thường nhạy cảm, hay suy tư và phản ứng lại với stress mạnh hơn, vì thế cũng dễ bị chấn thương tâm lý hơn. Yếu tố hormone thay đổi cũng là nguyên nhân góp phần làm cho tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm cao hơn nam giới.

Nguyên nhân chính gây trầm cảm

(Ảnh: Carroll.edu)

Theo các nhà nghiên cứu, các tác nhân gây ra chứng trầm cảm có thể được liệt vào hai nhóm nguyên nhân chính sau đây:

1. Nguyên nhân nội sinh. Đây là các yếu tố di truyền hay tác động của nội tiết tố trong cơ thể ra. Khi cơ thể có sự thay đổi lớn về mặt hormone vì lý do nào đó (phụ nữ đến ngày có kinh, mang thai, do chế độ ăn uống không tốt, trẻ bước vào tuổi dậy thì, người lớn bước vào tuổi già, do tác động của thuốc…) thì sẽ xuất hiện nhiều tác động xấu đến tinh thần. Tình trạng này càng dễ xảy ra hơn đối với người có người thân (cha mẹ, ông bà…) mắc phải chứng bệnh nguy hiểm này.

 Yếu tố gien từ lâu đã được biết là có góp phần vào việc làm xuất hiện bệnh trầm cảm, tuy nhiên cho đến nay y học vẫn chưa xác định được chính xác loại gien nào trực tiếp hoặc có liên quan đến việc gây ra bệnh trầm cảm.

2. Nguyên nhân ngoại sinh. Đó là các biến cố bất ngờ hoặc dai dẳng trong cuộc sống gây ra tâm lý trầm cảm, ví dụ buồn vì chuyện tình yêu bị đổ vỡ, áp lực công việc quá nặng, gia đình gặp khó khăn, có cả trường hợp do phải chuyển môi trường làm việc đột ngột, mắc bệnh lâu ngày không khỏi, mâu thuẫn với gia đình, bạn bè…

Những người có tâm lý quá nhạy cảm, ít bạn bè, hay sống nội tâm… thường có nguy cơ bị choáng váng trước những biến cố trong cuộc sống. Khi đó, có thể có hai trường hợp xảy ra: hoặc người ta trở nên tự ti, mặc cảm, hoặc luôn đặt mình trong tư thế… phản kháng hoặc công kích người khác. Cách ứng xử như vậy nói chung nguy hiểm, vì càng muốn phản kháng thì mức độ trầm cảm càng trầm trọng hơn và những hành vi tiêu cực có thể sẽ xảy ra.

Nên đối phó với trầm cảm thế nào?

Trầm cảm có ảnh hưởng tiêu cực và dai dẳng đến cả tinh thần lẫn thể chất con người. Thái độ ứng xử của người bệnh với chính sự cố của mình là một yếu tố hết sức quan trọng, góp phần lớn vào việc tự thoát ra khỏi bệnh tình cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia. Cách ứng xử an toàn và hiệu quả nhất trong trường hợp này là tiếp cận vấn đề một cách nhẹ nhàng nhưng… quyết liệt. Mọi thứ đều có thể tác động mạnh, ngoại trừ những vấn đề nhạy cảm về tinh thần.

Khi bị trầm cảm, thế giới trong mắt người bệnh sẽ dần dần… thu hẹp lại và chỉ cần một va chạm nhỏ với xung quanh cũng có thể có phản ứng dữ dội. Những xúc cảm xấu lập tức sẽ được dịp bùng lên, nếu không làm chủ được mình và thoát ra được thì chắc chắn người bệnh sẽ bị cuốn phăng đi. Hệ lụy này nối tiếp hệ lụy kia, người bệnh sẽ bị trầm cảm dai dẳng. Nếu tiếp cận “mạnh tay” có thể khiến người bệnh càng dễ bị sốc nặng hơn, thì giải pháp tiếp cận nhẹ nhàng nhưng triệt để sẽ giúp người bệnh vừa tránh bị sốc, vừa có đủ thời gian, cũng như sự sáng suốt cần thiết để tự tìm hướng giải quyết một cách hiệu quả.

Trầm cảm cũng có tác động mạnh mẽ đến nhu cầu giải quyết sinh lý. Trong lúc tâm trí bị ức chế cao độ, cảm giác của sự khoái cảm có thể cuốn hút người bệnh và khiến người đó không tài nào bỏ qua được. Sử dụng tình dục như một cách đối phó với chứng trầm cảm là chuyện khá thường gặp ở nhiều người, song đó không phải là cách giải quyết an toàn, nếu không muốn nói có phần nguy hiểm. Tốt nhất nên kịp thời tìm đến các chuyên gia tâm lý để nhờ giúp đỡ.

Việc dùng các loại thuốc chuyên dụng chống trầm cảm cũng là điều hết sức cần thiết, song cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc. Cuối cùng, sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình đối với bệnh nhân cũng là một yếu tố không nên bỏ qua.

Phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh. Xây dựng được một thói quen sống lành mạnh, biết thư giãn và giải trí điều độ, không tự tạo áp lực cho bản thân… là những cách hữu hiệu có thể giúp chúng ta chủ động tránh được bệnh trầm cảm.

DANH NGUYỄN

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, Tuổi trẻ
  • 2.782