Bộ xương được bảo quản cực tốt ở tây bắc Trung Quốc tiết lộ bằng chứng đầu tiên về loài cú tiền sử hoạt động vào ban ngày.
Hóa thạch cú 6 triệu năm tuổi gần như hoàn chỉnh ở Cam Túc. (Ảnh: IVPP)
Trong báo cáo trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ hôm 28/3, nhóm nghiên cứu từ Viện Cổ sinh Động vật có xương sống và Cổ nhân loại học (IVPP) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, do Tiến sĩ Li Zhiheng và Thomas Stidham dẫn đầu, đã đặt tên cho loài mới là Miosurnia diurna. Hóa thạch của nó được tìm thấy trong đá lắng đọng ở độ cao hơn 2.100m tại lưu vực Lâm Hạ thuộc tỉnh Cam Túc, rìa cao nguyên Thanh Tạng.
Dù có niên đại cách đây tới 6 triệu năm, bộ xương mỏng manh của sinh vật được bảo quản tốt đáng kinh ngạc. Nó gần như hoàn chỉnh từ đầu đến đuôi, bao gồm cả các bộ phận hiếm khi được lưu giữ trong hóa thạch chim như gân cánh, cơ chân, xương của bộ máy lưỡi và thậm chí là tàn tích của bữa ăn cuối cùng.
"Xương mắt trong hộp sọ được bảo quản tuyệt vời giúp chúng ta biết rằng Miosurnia diurna là loài cú ưa hoạt động vào ban ngày, thay vì ăn đêm", Zhiheng cho biết.
Mô phỏng cú Miosurnia diurna săn mồi vào ban ngày. (Ảnh: IVPP)
Động vật ăn đêm đòi hỏi đôi mắt to và đồng tử lớn để nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu, trong khi các loài hoạt động vào ban ngày có mắt và đồng tử nhỏ hơn.
Nhóm nghiên cứu đã tái tạo hình dạng và kích thước đồng tử cũng như vòng tròn xung quanh mống mắt của hóa thạch, sau đó so sánh với mắt của 55 loài bò sát và hơn 360 loài chim, trong đó có nhiều loài cú, để đi đến kết luận rằng Miosurnia diurna ưa hoạt động vào ban ngày, gần giống nhất với một họ hàng hiện đại của nó là cú diều phương Bắc.
Tiến sĩ Stidham cho biết thêm rằng Miosurnia diurnia là bằng chứng đầu tiên về một quá trình tiến hóa kéo dài hàng triệu năm, trong đó một loài cú "từ chối ban đêm để tìm kiếm niềm vui dưới ánh nắng mặt trời".