Phá hủy thiên thạch đe dọa Trái đất bằng bom nguyên tử nghe có vẻ giống một bộ phim khoa học giả tưởng tuy nhiên lại hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
>>> Dùng súng sơn đẩy lui “sát thủ Trái đất”?
Các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu phương pháp thổi bay một tiểu hành tinh khi phát hiện nguy cơ va chạm với Trái đất bằng bom hạt nhân theo cách gần giống của đoàn thám hiểm đã thực hiện trong bộ phim khoa học viễn tưởng "Armageddon" sản xuất năm 1998 do Bruce Willis thủ vai chính.
Tuy nhiên không giống như "Armageddon", con tàu do các nhà khoa học tại ĐH Bang Iowa thiết kết có tên Hypervelocity Asteroid Intercept Vehicle hay còn được gọi là HAIV, sẽ không có người lái. HAIV sẽ lao vào thiên thạch 2 lần liên tiếp. Cú đâm này sẽ giúp tạo một cái hố sâu khoảng 3m và rộng khoảng 10m để đặt một quả bom nguyên tử. Sức nổ phát ra từ bên trong cái hố của quả bom do đó sẽ mạnh gấp 20 lần bình thường.
“Giải pháp của chúng tôi khá khả thi và chi phí tương đối hợp lý”, Bong Wie, dẫn đầu dự án, hiện đang làm việc tại ĐH Bang Iowa, Mỹ, nói.
Phá thiên thạch bằng bom nguyên tử được xem là giải pháp lý tưởng. (Ảnh minh họa)
Trong suốt 4,5 tỷ năm qua, Hành tinh của chúng ta liên tiếp bị các tiểu hành tinh tấn công. Một số vụ va chạm đã gây ra thảm họa diệt vong. Chẳng hạn vụ va chạm cách đây 65 triệu năm đã làm khủng long biến mất.
Trái đất vẫn đang phải đối mặt với nguy hiểm từ các tảng đá vũ trụ. Chúng đủ lớn để gây ra những thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu. Theo tính toán của các nhà khoa học, cứ 200 đến 300 năm lại có một thảm họa lớn đến từ không gian.
Trước tình thế này, con người cần chung tay để đối phó với các tiểu hành tinh nguy hiểm tiếp theo và sẵn sàng đối phó với khả năng va vào Trái đất của thiên thạch chỉ vài tuần trước khi chúng xuất hiện trên radar. Với kịch bản này, phương pháp của Wie và các cộng sự sẽ là giải pháp lý tưởng.
Mặc dù các nhà khoa học mới bắt đầu thiết kế HAIV song họ đang ấp ủ tham vọng sẽ tiến hành thử nghiệm trong thập kỷ tới.