Khoa học giải thích cách nước Anh chống dịch Covid-19

  •  
  • 1.453

Các nước châu Âu như Italy, Tây Ban Nha, Pháp đã phong tỏa toàn quốc nhằm tránh sự lây lan của Covid-19, ngoại trừ Anh. Khoa học hành vi có thể giải thích cho quyết định này.

Theo Wired, tính đến 19/3, Covid-19 khiến cả thế giới dần trở nên mất kiểm soát với hơn 200.000 ca phát hiện dương tính.

Chính phủ Pháp ra lệnh cho cảnh sát tuần tra trên đường phố thực thi lệnh phong tỏa. Người dân không được phép ra đường trừ khi có lý do chính đáng bằng văn bản, nếu không sẽ bị phạt tiền. Tây Ban Nha, Bỉ và Italy cũng thực thi các chính sách tương tự nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dân.

Ngày 16/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson ra khuyến cáo cách ly xã hội toàn bộ người dân trên cả nước và cách ly tại nhà đối với những người nghi ngờ mắc bệnh. Nhưng so với nỗ lực chống dịch của các nước châu Âu, chính sách của Anh vẫn được cho là chưa thực sự cứng rắn. Các quán rượu, nhà hàng và rạp hát vẫn được mở cửa, miễn là có khách ghé vào.


Vương quốc Anh đang đẩy mạnh các biện pháp chống dịch Covid-19. (Ảnh: Guardian).

Khó khăn trong nêu cao ý thức cộng đồng

Giới nghiên cứu đã đưa ra một số giải thích dưới góc nhìn của khoa học hành vi về công tác phòng chống dịch của chính phủ Anh.

“Người dân chỉ thực sự tuân theo các biện pháp cách ly lâu dài tại nhà khi họ nhận thấy đầy đủ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Phong tỏa đất nước quá sớm hay quá muộn đều sẽ đem lại những hậu quả khó lường”, Susan Michie, Giáo sư Tâm lý học Sức khỏe Đại học London kiêm thành viên nhóm hỗ trợ chính phủ chống dịch Covid-19, cho biết.

“Trước đó, chính phủ Anh đã có những bước tiếp cận vấn đề cẩn thận, bắt nhịp từng chút một”, bà Susan nói, "Đầu tiên, họ khuyến nghị người dân nên rửa tay thường xuyên và gọi dịch vụ y tế quốc gia 111 nếu thấy xuất hiện triệu chứng bệnh".

"Tiếp theo là các chiến dịch cách ly người bị nhiễm bệnh, sau cùng mới là cách ly xã hội với phần còn lại của dân số. Ngược lại ở Italy, chính phủ nước này đã nhanh chóng phong tỏa toàn bộ quốc gia chỉ trong vòng một ngày thay vì mỗi vùng Lombardy như ban đầu", bà Susan cho hay.

Nhưng dù có thay đổi nào xảy ra, chính sách phong tỏa của chính phủ vẫn sẽ vấp phải sự phản đối từ người dân. Họ lo sợ rằng công việc có thể bị trì trệ, không thể trả được tiền thuê nhà và người thân của mình không được chăm sóc chu đáo. Trừ khi chính phủ giải quyết được các vấn đề trên, nếu không, người dân sẽ không tự nguyện thực hiện cách ly xã hội.


Thủ tướng Anh Borish Johnson (giữa) cùng giáo sư Chris Whitty (trái) và bác sĩ Patrick Vallance. (Ảnh: No 10 Downing Street).

Mặc dù vào ngày 17/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Rishi Sunak đã vạch ra kế hoạch cho vay và bảo đảm dành cho những doanh nghiệp cũng như chủ sở hữu nhà đất, những người thu nhập thấp như làm thời vụ, nhưng hầu như không có bất kỳ sự trợ giúp thỏa đáng nào. Michie cho rằng biện pháp hỗ trợ người thu nhập thấp cần được ban hành trước từ 2-3 tuần, chứ không phải đợi đến khi bắt đầu cách ly xã hội mới công bố.

Chính phủ Anh đang gặp vấn đề trong việc thuyết phục người dân thực hiện cách ly xã hội, mà lý do chính là họ vẫn chưa có kinh nghiệm để can thiệp một cách sâu rộng.

Cần hành động quyết liệt hơn

Nhà Tâm lý học Sức khỏe tại Đại học Bristol Emma Anderson cho rằng các sáng kiến y tế cộng đồng trong quá khứ có thể cung cấp một số gợi ý về việc đưa ra khuyến cáo tới người dân. "Nếu không có các hành động quyết liệt của nhà nước, lệnh cấm hút thuốc trong nhà năm 2007 có lẽ đã không được thực thi", bà Emma nói.

“Chúng ta có thể không để ý, nhưng chính nhờ các biện pháp cứng rắn đó mà thái độ và ý thức người dân đã được thay đổi”, bà Emma nhận định. Thay đổi thái độ có thể là chìa khóa để người dân Anh chấp nhận biện pháp cách ly xã hội.


Người dân Kuwait chờ xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 tại một trung tâm y tế. (Ảnh: Sciencemag).

Nhưng chính phủ Anh còn đang tỏ ra bối rối trong các chính sách bảo vệ người dân. Họ khuyến cáo những người có triệu chứng nhiễm bệnh nên tự cách ly tại nhà, còn những người khác, đặc biệt là người già trên 70 hoặc có bệnh nền nên tránh tiếp xúc xã hội cũng như tụ tập nơi đông người.

Tuy nhiên, để người dân nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị trên không hề đơn giản như nhắc nhở rửa tay thường xuyên, hay cho cảnh sát tuần tra trên đường để kêu gọi mọi người ở trong nhà.

“Các quy tắc càng đơn giản thì người dân sẽ dễ dàng chấp nhận tuân theo. Nhưng sẽ khó chấp hành nếu chỉ phong tỏa một phần chứ không phải toàn bộ", Giáo sư Hiệp hội Khoa học Hành vi tại LSE (London School of Economics and Political Science) Matteo Galizzi cho biết.

Để làm được điều đó, các nhà nghiên cứu cho rằng chính phủ nên tìm cách tác động đến suy nghĩ và ý thức cộng đồng. Đặc biệt là trong hoàn cảnh khủng hoảng, con người thường trở nên hoảng loạn và bắt chước cách xử lý của người khác. Nói cách khác, nếu họ thấy ai đó trong cộng đồng tự cách ly để chống dịch, họ sẽ có xu hướng hành động tương tự và chỉ trích những người không làm giống họ.

Cách khác để khuyến khích người dân tự nguyện ở nhà chính là gợi lên nghĩa vụ của mỗi công dân. Adam Olivier, nhà kinh tế học hành vi tại ĐH Kinh tế London, cho biết trong thời gian dịch bệnh ảnh hưởng đến toàn bộ đất nước, mọi người thường suy nghĩ rằng ngay bây giờ họ nên làm những việc có ích cho bản thân và cả cộng đồng. Vậy nên, nhấn mạnh sự cần thiết của cách ly xã hội có thể khiến người dân tự nguyện tuân thủ.

Cập nhật: 23/03/2020 Theo Zing
  • 1.453