Khoa học vì hòa bình

  •  
  • 1.559

Chiến tranh thế giới lần thứ hai chấm dứt (1945), bước vào thời kỳ chiến tranh lạnh. Ðược kích động bởi hai quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, thế lực đế quốc hiếu chiến lại lao vào chạy đua vũ trang.

Chúng ra sức trang bị đầy các kho bom nguyên tử, bom khinh khí và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Loài người lại bị chiến tranh đế quốc đe dọa nghiêm trọng.

Bọn hiếu chiến lái súng thúc ép khoa học và công nghệ (KHCN) lao vào các mũi nhọn của trí tuệ sáng tạo. Chúng lại xảo quyệt tung ra những lời dối trá hiểm độc rằng, đó là cần thiết để phát triển KHCN.

Thế là một bản án lương tâm đè nặng lên giới khoa học, với sự ám chỉ rằng, trong hai cuộc chiến tranh thế giới, hàng trăm triệu quân lính và dân thường đã tử vong, hàng nghìn tỷ USD đã biến thành tro bụi là vì KHCN. Vì đó là nguồn gốc sinh ra tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, đại bác, xe tăng, máy bay chiến đấu, hàng không mẫu hạm, tên lửa hành trình,... rồi vũ khí hóa học, sinh học và vũ khí hạt nhân.


Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima. (Ảnh: Leonardo)

Trước sự ngụy biện xấu xa đó của đế quốc hiếu chiến và tay sai, giới khoa học, mà trước hết là các vĩ nhân đỉnh cao khoa học như A.Einstein, F.J.Curie... đã phát động một phong trào bảo vệ hòa bình rộng lớn để vạch mặt chống bọn đế quốc hiếu chiến và đẩy mạnh cao trào khoa học vì hòa bình, vì sự phát triển và hạnh phúc của nhân loại.

Hội đồng Hòa bình thế giới đã được thành lập năm 1949 ở châu Âu và bầu nhà bác học F.J.Curie, giải thưởng Nobel, làm Chủ tịch Hội đồng. Ở Bắc Mỹ, tại Canada, các nhà khoa học B.Russell và J.Rotblat đã tổ chức "Hội nghị về khoa học và chính sự quốc tế" năm 1957, sau bản Tuyên ngôn Russell-Einstein năm 1955.

Russell và Einstein

Russell và Einstein (Ảnh: Photobucke)

Với hoạt động mạnh mẽ của các tổ chức bảo vệ hòa bình do các nhà khoa học hàng đầu của thế giới đi tiên phong rất nhanh chóng, nhân dân thế giới đã thức tỉnh và nhận thức đúng đắn rằng khoa học vì hạnh phúc của nhân loại, nhưng đã bị bọn đế quốc hiếu chiến lạm dụng để phục vụ chiến tranh. Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được mánh khóe giảo hoạt của đế quốc và sớm trở thành lực lượng tiền phong của phong trào bảo vệ hòa bình thế giới.

Việt Nam, vào lúc đó, đang trong cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược. Ðể hòa nhịp với phong trào bảo vệ hòa bình thế giới và kêu gọi nhân dân thế giới đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, ủng hộ Việt Nam kháng chiến, theo sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta khẩn trương chuẩn bị thành lập Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới (BVHBTG) của Việt Nam.

Chủ tịch Tôn Ðức Thắng là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt lúc đó, được cử làm Trưởng ban vận động. Phiên họp đầu tiên của Ban vận động tiến hành vào ngày 25-6-1950 với 25 vị thành viên của Ban vận động.

Ðến cuối năm 1950, mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất và Ðại hội thành lập Ủy ban BVHBTG của Việt Nam được tổ chức vào ngày 19-11-1950. Ðịa điểm tiến hành Ðại hội ở thủ đô kháng chiến chính là xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa (Thái Nguyên).

Ðại hội đã vinh dự đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ðại hội. Ðại hội đã bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Danh dự và tôn vinh Người là Chiến sĩ hòa bình đệ nhất của Việt Nam.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, những lời tâm huyết trong thư ngày ấy, hôm nay vẫn chói ngời tầm cao tư tưởng hòa bình, giải phóng nhân loại khỏi ách áp bức, bóc lột. Người viết: "Nhân dân Việt Nam ta cũng như nhân dân các nước trên thế giới đều yêu chuộng hòa bình, để xây dựng một xã hội dân chủ tốt đẹp. Nhưng đế quốc chủ nghĩa là nguồn gốc chiến tranh... Vậy, muốn giữ gìn hòa bình một cách thiết thực thì phải ra sức chống đế quốc chủ nghĩa".

Thực hiện sự lãnh đạo của Ðảng và lời dạy của Bác Hồ, một phong trào bảo vệ hòa bình mạnh mẽ, có tính chiến đấu cao, đã bùng phát trong cả nước, nhất là ở các thành phố và đặc biệt là ở Sài Gòn, Chợ Lớn. Phong trào đó đã bùng lên ở khắp năm châu, ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến, cho đến khi thực dân Pháp thất bại hoàn toàn. Ðến lượt đế quốc Mỹ hiếu chiến lại xâm lược nước ta với những thủ đoạn chiến tranh vô cùng tàn bạo.

 
Trước hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố những ý chí kiên cường quyết thắng cho hòa bình:

"Nhân đây, tôi xin ngỏ vài lời cùng nhân dân Mỹ: Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, nhưng quyết không chịu làm nô lệ. Ðế quốc Mỹ hiếu chiến và xâm lược là kẻ thù của chúng tôi, cũng là kẻ thù của các bạn và của toàn thể loài người. Chúng tôi mong rằng nhân dân tiến bộ Mỹ sẽ kiên quyết đấu tranh hơn nữa đòi Chính phủ Mỹ phải thi hành đúng Hiệp định Genève năm 1954 về Việt Nam, phải chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược đầy tội ác ở miền Nam Việt Nam và mọi hành động khiêu khích và gây chiến đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...".

Lời tuyên bố yêu chuộng hòa bình hướng tới nhân dân Mỹ, nhưng rất đanh thép với đế quốc Mỹ trên đây, đã một lần nữa làm sôi sục phong trào hòa bình trên toàn thế giới, nhất là ở ngay nước Mỹ. Ngọn lửa Morison rực sáng Washington và máu sinh viên thấm đỏ Ðại học Kent..., là những sự kiện chấn động tâm hồn Mỹ, chưa từng có trong lịch sử Mỹ.

Cuối cùng, đế quốc Mỹ phải cút, ngụy phải nhào (1975). Việt Nam độc lập, tự do và thống nhất, đang phát triển mạnh mẽ trong hòa bình và an ninh, hiếu khách chào đón WTO, APEC bàn về hợp tác kinh tế, trong đó có vị Tổng thống Hoa Kỳ, vị thứ hai, đến thăm Việt Nam trong hòa bình, hữu nghị.

Kỷ niệm 56 năm Ngày thành lập Ủy ban BVHBTG của Việt Nam, nay là Ủy ban Hòa bình Việt Nam, mọi người xúc động sâu xa trong niềm tự hào về Ðảng, về Bác Hồ vĩ đại của chúng ta trước Bia Hòa Bình mới dựng.

Chính từ nơi dựng Bia Hòa Bình này đã phát đi những tư tưởng bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh xâm lược ra cả nước và ra toàn thế giới, mà ông Romesh Chandra, nguyên Chủ tịch HÐHBTG đã diễn tả bằng câu nói bất hủ: "Tên tôi là Việt Nam, tên các bạn là Việt Nam, chúng ta đều là Việt Nam". Ðúng vậy, tất cả chúng ta cùng nhân dân thế giới đều căm thù chiến tranh phi nghĩa, đều phấn đấu cho hòa bình phát triển, "đều là Việt Nam".

Trong thế kỷ 21 này, khoa học đã có những bước tiến kỳ diệu, mang lại hạnh phúc cho nhân loại, mà trước hết nhằm vào xóa đói nghèo cho hơn một tỷ người còn đang khốn khó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu nói nổi tiếng: "Chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học, chắc chắn sẽ đưa loài người đến hạnh phúc vô tận...". Chúng ta có niềm tin vững chắc, một lần nữa, vào lời tiên đoán đó.

GS VŨ ÐÌNH CỰ

Theo Nhân dân
  • 1.559