Các nhà khoa học tuyên bố kính thiên văn Wide-field Infrared Survey Explorer (WISE) của NASA cho phép nhìn thấy các ngôi sao gần kề với hệ mặt trời, mà trước đây “tàng hình” với chúng ta.
Trong kế hoạch tạo lập một quan sát tổng thể về vũ trụ, tàu vũ trụ chuyên chụp ảnh bầu trời WISE (viết tắt của từ Nhà thám hiểm lập bản đồ dùng hồng ngoại trong phạm vi rộng) đã "ngốn" 320 triệu USD để chụp toàn bộ bầu trời đêm, trong đó, một nửa là các bức ảnh hồng ngoại.
Mặc dù hàng trăm triệu USD đã được chi cho các nghiên cứu và các công nghệ tốt nhất, nhưng các nhà thiên văn vẫn không thể “trông thấy” được hàng nghìn ngôi sao "hàng xóm" vì chúng quá lạnh và tối để phát ra bất kỳ ánh sáng rõ rệt nào.
NASA tuyên bố, kính thiên văn mới của họ sẽ ở trên quỹ đạo trong khoảng 9 tháng và lần đầu tiên, nó sẽ giúp nhận biết các ngôi sao, tiểu hành tinh, đám mây bụi và sao chổi mà trước kia chúng ta không nhìn thấy được. Điều này sẽ phục vụ đắc lực trong nghiên cứu và trong công việc liệt kê danh mục các đối tượng có thể gây ra nguy hiểm cho Trái Đất.
Một vài nhà khoa học tin rằng, thậm chí WISE còn có thể phát hiện ra một vài hành tinh khí khổng lồ ở bên ngoài hệ mặt trời của chúng ta. Peter Eisenhardt, nhà khoa học làm việc tại Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA ở Pasadena, Califfornia, Mỹ, cho biết: “Điều chúng tôi đang làm là mở bầu trời ra theo cách mà trước đây không thể”.
WISE sẽ được phóng lên vào thứ hai tuần sau sẽ giúp các nhà khoa học nhận biết thêm được nhiều đối tượng thiên văn mới. |
Các nhà khoa học đang làm việc với WISE để đưa chiếc kính thiên văn có thể chụp cả bầu trời bằng hồng ngoại vào sử dụng. |