Kỷ nguyên mới trên Mặt trăng đã chính thức bắt đầu

  •   4,52
  • 2.780

Các nhà khoa học cho rằng, thế giới cần công bố Kỷ Nhân sinh Mặt trăng, từ đó mở ra một giai đoạn mới cho ngành hàng không vũ trụ.

Khái niệm về Mặt trăng đã được con người biết đến từ rất lâu. Ngay cả bề mặt Mặt trăng cũng đã được chúng ta chinh phục từ hơn nửa thế kỷ nay. Các dấu vân tay, thiết bị ngừng hoạt động, tàu vũ trụ bị rơi, và thậm chí cả rác thải đã xuất hiện trên bề mặt của Mặt trăng.

 Ảnh mô phỏng một thành phố trên Mặt trăng.
Ảnh mô phỏng một thành phố trên Mặt trăng. (Ảnh: Space).

Các nhà khoa học cho biết "thời điểm ấy" đã đến, khi con người chính thức trở thành thế lực thống trị, và tạo ra những tác động nhất định lên Mặt trăng.

Họ lập luận rằng chúng ta cần tuyên bố một kỷ nguyên mới trên Mặt trăng, gọi là Kỷ Nhân sinh Mặt trăng. Trên thực tế, giai đoạn này bắt đầu từ khi Liên Xô thành công thực hiện cuộc đổ bộ tàu vũ trụ Luna 2 vào năm 1959.

"Trên Trái đất, Kỷ Nhân sinh đã bắt đầu vào một thời điểm nào đó trong quá khứ, dù là hàng trăm nghìn năm trước, hay những năm 1950", Justin Holcomb, nhà nghiên cứu địa chất hành tinh Đại học Kansas, cho biết.

"Tương tự trên Mặt trăng, chúng tôi cho rằng đã đến lúc tuyên bố rằng Kỷ Nhân sinh trên Mặt trăng đã bắt đầu".

Trong bài báo của mình, Holcomb và các đồng nghiệp đã đưa ra suy nghĩ của họ để đánh giá và lập danh mục những tác động con người lên Mặt trăng. Họ cho rằng, văn hóa của loài người đang bắt đầu đưa Mặt trăng vượt xa khỏi nền tảng tự nhiên, quá trình địa chất vốn có.

Quá trình này liên quan đến việc chúng ta tự cho phép mình di chuyển các trầm tích, còn gọi "đá regolith" trên Mặt trăng tới những nơi khác nhau, thậm chí mang về Trái đất để nghiên cứu.

Chúng ta đang can thiệp quá nhiều vào lớp bề mặt của Mặt trăng
Chúng ta đang can thiệp quá nhiều vào lớp bề mặt của Mặt trăng, và từng bước đưa nó vượt xa khỏi nền tảng tự nhiên vốn có (Ảnh: NASA).

Nhóm nghiên cứu khẳng định rằng, những hoạt động của chúng ta đang làm xáo trộn đáng kể lớp bề mặt của Mặt trăng. Trong bối cảnh cuộc đua không gian ngày càng mang tính cạnh tranh, cảnh quan trên Mặt trăng sẽ hoàn toàn khác sau 50 năm nữa.

Holcomb và các đồng nghiệp cũng cảnh báo rằng, cần sớm có những chính sách quốc tế trong việc bảo tồn lịch sử văn hóa Mặt trăng, khi coi đây là di sản của chúng ta, và là một phần quan trọng trong lịch sử nhân loại.

"Là các nhà khảo cổ học, chúng tôi coi dấu chân trên Mặt trăng là phần mở rộng hành trình của loài người ra khỏi Châu Phi, một cột mốc quan trọng trong sự tồn tại của loài người chúng ta", Holcomb cho biết.

Dẫu vậy, họ cũng cảnh báo rằng tình trạng của Mặt trăng có thể trở nên tồi tệ hơn khi mà những năm tới, ngày càng có nhiều sứ mệnh hướng tới vệ tinh hấp dẫn này của Trái đất.

Cập nhật: 11/12/2023 Dân Trí
  • 4,52
  • 2.780