Khả năng sống sót kỳ diệu của ADN trong không gian

  •  
  • 2.281

Các nhà nghiên cứu vô cùng sửng sốt khi phát hiện, ADN có thể sống sót trong những điều kiện khắc nghiệt của không gian và gần như "bình an vô sự" khi quay trở lại bầu khí quyển Trái đất.

Theo tạp chí Plos One, các chuyên gia thuộc trường Đại học Zurich (Thụy Sỹ) đã tiến hành phóng tên lửa Texus-49 từ bệ phóng Esrange của châu Âu ở Kiruna, miền bắc Thụy Điển lên quỹ đạo thấp nhằm nghiên cứu về ảnh hưởng của trọng lực đối với các gene trong tế bào của người, được đặt bên trong tên lửa.

Tuy nhiên, ngoài mục đích ban đầu, nhóm nghiên cứu quyết định sẽ kiểm nghiệm thêm các ảnh hưởng của chuyến du hành vào vũ trụ đối với ADN. Họ đã gắn các đoạn xoắn kép ngắn của ADN plasmid (cấu trúc tự sao chép mang gen tồn tại trong tế bào chất) vào 3 vị trí trên lớp vỏ bên ngoài của tên lửa.

Nhiều nhà khoa học tin rằng, các sao chổi có thể đã mang những nguyên liệu hữu cơ hình thành nên sự sống, chẳng hạn như các axit amin tới Trái đất, thuở sơ khai. Dẫu vậy, một số người còn đi xa hơn và cho rằng, ADN, phân tử thiết yếu của sự sống, có thể đã tới Trái đất bằng các bụi sao băng, khoảng 100 tấn đổ bộ xuống hành tinh của chúng ta mỗi ngày. Đây là nội dung của thuyết nguồn gốc sự sống từ vũ trụ.

Khả năng sống sót kỳ diệu của ADN trong không gian
Loại ADN được tên lửa mang thử nghiệm lên vũ trụ là ADN plasmid, chứa đựng các gene dành cho sự phát huỳnh quang và khả năng kháng kháng sinh. (Ảnh: Corbis)

Trong thử nghiệm của các nhà khoa học Thụy Sỹ, khoảng 53% ADN đã được thu hồi nguyên vẹn ở vỏ ngoài tên lửa. Nhóm nghiên cứu cũng vô cùng kinh ngạc khi phát hiện, hơn 1/3 số mẫu ADN này vẫn hoạt động hoàn toàn như bình thường, dù đã trải qua mức nhiệt độ tăng vọt tới hơn 1.000 độ C trong cuộc hành trình tới quỹ đạo thấp trong không gian và quay trở lại Trái đất.

Giáo sư Oliver Ullrich, một thành viên nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh: "Nghiên cứu này đã cung cấp bằng chứng thử nghiệm cho thấy, thông tin di truyền của ADN về cơ bản có khả năng sống sót trong các điều kiện cực điểm của không gian và quá trình tái quay lại bầu khí quyển dày đặc của Trái đất".

Nghiên cứu cũng ám chỉ, các nhà khoa học thực hiện những sứ mệnh bay vào không gian, tới các hành tinh khác, cần phải cẩn trọng về việc nhiễm bẩn. "Các kết quả thu được cho thấy, bất chấp mọi biện pháp phòng ngừa an toàn, các tàu vũ trụ vẫn có khả năng mang ADN ngoài hành tinh về nơi hạ cánh của chúng trên Trái đất. Chúng ta cần phải kiểm soát điều này khi tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất", ông Ullrich giải thích.

Hồi tháng 8, các nhà du hành vũ trụ Nga từng tìm thấy dấu vết của sinh vật phù du cũng như những vi sinh vật khác cư trú bên ngoài Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Họ tuyên bố, sinh vật phù du không được cố ý đưa vào không gian, nên chúng có thể đã bị các luồng khí trên Trái đất cuốn lên cao trong vũ trụ.

Điều đáng chú ý là, các sinh vật tí hon được phát hiện có khả năng sống sót trong môi trường chân không của vũ trụ bất chấp nhiệt độ đóng băng, thiếu oxy và bức xạ vũ trụ.

Theo một số học giả, sinh vật phù du đơn giản có thể đã bị truyền nhiễm từ những nơi khác của trạm ISS. Tuy nhiên, khám phá dường như chứng minh, dạng sống vô cùng nguyên thủy vẫn có thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt của không gian.

Khám phá này cùng với kết quả nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia Thụy Sỹ đã dấy lên các câu hỏi thú vị về nguồn gốc sự sống trên Trái đất.

Theo Vietnamnet, Daily Mail
  • 2.281