Làm sạch nước thải độc hại bằng vi sinh vật

  •  
  • 2.997

Mô hình DEWATS tại Bệnh viện Kim Bảng- Hà Nam là mô hình xử lý nước thải phân tán qua sử dụng các vi sinh vật có trong nước thải hoặc nhờ quá trình tự nhiên, không hề sử dụng hóa chất. Đây là quy trình công nghệ cao, chi phí thấp mà vẫn đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn.

Ông Vũ Đình Phụng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kim Bảng (Hà Nam), cho biết: Với công suất 250 giường, bệnh viện thường xuyên phải hoạt động trong tình trạng quá tải, lúc cao điểm tỷ lệ sử dụng giường bệnh lên tới 250%. Điều đó dẫn đến tình trạng toàn bộ nước thải của nhà vệ sinh, nhà tắm, các khu khám và chữa bệnh đều thải trực tiếp vào môi trường theo cơ chế thấm ngấm, phần còn lại chưa kịp thấm ngấm chảy ra cánh đồng xung quanh.

Bên cạnh đó, nước thải từ khu khám cận lâm sàng có chứa hóa chất nguy hại từ phòng chụp X quang và phòng thí nghiệm cũng không được thu gom một cách hợp lý mà thải trực tiếp vào môi trường.

Các chất ô nhiễm có trong nước thải đã gây sự tích tụ sinh học trong cá, trong cây trồng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của khu vực, biến nơi đây thành một “điểm nóng” về ô nhiễm trong tỉnh.

Sau khi tiến hành nghiên cứu thực địa, các chuyên gia của Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Bremen (BORDA )- tổ chức phi chính phủ của Đức - nhận thấy, nước thải của Bệnh viện Đa khoa Kim Bảng có đặc tính giống như nước thải sinh hoạt với hàm lượng ô nhiễm hữu cơ cao và hoàn toàn có thể xử lý bằng công nghệ sinh học.

“Sau khi khảo sát, chúng tôi đã quyết định chọn Bệnh viện đa khoa Kim Bảng, một địa bàn khá nổi bật về vấn đề vệ sinh nước thải làm nơi thí điểm DEWATS. Hệ thống xử lý nước thải phân tán cho phép xử lý nước thải hữu cơ với quy mô dưới 1.000m3/ngày đêm với ưu điểm là hiệu quả xử lý cao, có thể thích ứng với sự dao động về lưu lượng, không cần tiêu thụ điện năng (nếu khu vực xử lý có độ dốc thích hợp).

Công nghệ xử lý thân thiện với môi trường, xử lý nước thải nhờ các vi sinh vật có trong nước thải hoặc nhờ quá trình tự nhiên mà không sử dụng đến hóa chất” - Ông Lutz R.Meyer - Giám đốc BORDA khu vực Mêkông, Trung Quốc cho hay.

Khu lọc thực vật trong hệ thống DEWATS (Ảnh: TP)

Sau nhiều cuộc họp bàn, tháng 12/2006, hệ thống DEWATS đầu tiên ở Việt Nam được khởi công xây dựng tại Bệnh viện Đa khoa Kim Bảng (Kim Bảng, Hà Nam) với công suất 125m3/ngày đêm.

Toàn bộ chi phí đầu tư 720 triệu đồng xây dựng ban đầu do Bộ Hợp tác Phát triển Kinh tế CHLB Đức tài trợ. Bệnh viện chỉ phải bỏ tiền thuê chăm sóc bãi lọc ngầm trồng cây và vớt tảo làm sạch hồ chỉ thị.

Kết quả kiểm nghiệm chất lượng nước sau khi được xử lý bằng DEWATS cho thấy: Nước thải sau quá trình lọc giúp loại vi khuẩn đến 95 - 97%, chỉ số BOD (nhu cầu ôxy hóa sinh học) đạt 4mg/lít (chuẩn của Bộ Y tế là 20), COD (nhu cầu ôxy hóa sinh học) là 16mg/lít (chuẩn của Bộ Y tế cho bệnh viện là 80).

“Trước đây, bệnh viện sử dụng cách xử lý nước thải thông thường là đào bể tự ngấm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải kiểu cũ này phải mất hơn 3 tỷ đồng và chi phí vận hành hàng tháng lên tới 20 - 30 triệu đồng. Kết quả kiểm tra cho thấy, nước được xử lý bằng DEWATS hoàn toàn “sạch” và đáp ứng được các quy định về nước thải của Bộ Y tế” - Ông Vũ Đình Phụng - Giám đốc bệnh viện Kim Bảng hồ hởi.

Mô hình DEWATS tại Bệnh viện Kim Bảng đánh dấu bước ngoặt trong việc giải quyết ô nhiễm do chất thải hữu cơ bằng chi phí thấp, hiện được rất nhiều đơn vị quan tâm.

Hiện DEWATS đang trong quá trình xây dựng hệ thống tại Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo và sắp sửa triển khai tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

DEWATS đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Indonesia, Ethiopia, Trung Quốc từ những năm 1977. Mặc dù vậy, phải đến gần đây, hệ thống ưu việt này mới được áp dụng tại Việt Nam.

DEWATS sử dụng công nghệ vi sinh, qua bốn giai đoạn chính. Giai đoạn xử lý sơ bộ bậc 1 là quá trình lắng loại bỏ các cặn lơ lửng qua Bể phản ứng kỵ khí vách ngăn.

Giai đoạn hai, các chất rắn lơ lửng và hòa tan trong nước thải được loại bỏ nhờ các vi sinh vật dị khí qua Bể lọc kỵ khí và Bể lắng kỵ khí. Nước thải sau đó sẽ được chuyển sang giai đoạn xử lý hiếu khí qua Khu lọc thực vật và cuối cùng là được khử trùng trong Hồ chỉ thị.

Linh Nga - Phạm Tuyên

Theo Tiền phong
  • 2.997