Các nhà khoa học phát hiện ra một số lỗ đen có thể làm sống lại những ngôi sao đã chết và sau đó lại hủy diệt chúng.
Lỗ đen là những “vật thể” không nhìn thấy được trong không gian, ở đó trọng lực lớn đến mức nó hút tất cả mọi thứ vào trong, kể cả ánh sáng. Cho đến nay, tất cả các lỗ đen mà các nhà thiên văn học tìm thấy thì một là cực kì lớn, lớn bằng hàng trăm nghìn thậm chí hàng trăm tỉ lần kích thước Mặt Trời, hai là cực kì nhỏ, nhỏ hơn hàng trăm lần Mặt Trời.
Các nhà thiên văn học chưa xếp bất cứ lỗ đen nào vào loại trung bình, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không tồn tại.
Các phép mô phỏng của siêu máy tính cho thấy chuyện sẽ xảy ra khi một ngôi sao chết đến gần một lỗ đen: Những ảnh ở hàng trên cho thấy mật độ và ảnh dưới cho thấy nhiệt độ.
Một nhóm nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm quốc gia Livermore Lawrence, bang California, Mỹ, nghi ngờ rằng các lỗ đen cỡ trung bình có lực hút phù hợp để có thể kích hoạt sự sống cho các ngôi sao lùn màu trắng, hay chính là những ngôi sao đã chết có kích thước bằng Mặt Trời nhưng đã hết năng lượng hạt nhân.
Để kiểm chứng nhận định của mình, họ đã cho chạy các phép mô phỏng trên siêu máy tính hàng chục kịch bản khác nhau về sự va chạm có thể xảy ra khi những ngôi sao này đến gần các lỗ đen có kích thước trung bình. Kết quả cho thấy mỗi khi một ngôi sao lùn màu trắng đến gần lỗ đen Goldilocks thì ngôi sao đó sống lại.
Lực hút của lỗ đen làm cho vật liệu của ngôi sao chết hợp nhất lại thành những khối lượng can xi và sắt, càng đến gần lỗ đen thì ngôi sao chết càng có nhiều sắt. Đây được gọi là quá trình tổng hợp hạt nhân và nó sẽ làm sống lại ngôi sao đã từng chết một lần.
Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng khi ngôi sao sống lại, nó sẽ tạo ra những sóng điện từ mà các máy thu gần Trái đất có thể bắt được, có nghĩa là chúng ta có thể “nhìn” thấy hiện tượng đó xảy ra ở đâu và tìm được lỗ đen làm cho ngôi sao đó sống lại.
Tuy nhiên, ngôi sao sống lại sẽ không sáng mãi. Lỗ đen mang lại sự sống cho ngôi sao kia rồi sẽ lại hủy diệt nó. Các nhà khoa học giải thích đó là vì khi ngôi sao hình cầu tiếp cận lỗ đen, lực thủy triều bắt đầu nén ngôi sao theo một phương vuông góc với mặt phẳng quĩ đạo và kích hoạt làm nó sống lại. Nhưng sau đó trong phạm vi mặt phẳng quĩ đạo, những trọng lực này kéo căng ngôi sao đó và xé tan nó thành từng mảnh.
Lỗ đen, hay con quái vật hút mọi vật chất, vẫn đầy sức mạnh bí hiểm là như vậy.