Loài rết lớn nhất thế giới có thể xơi tái chuột, thằn lằn và dơi

  •  
  • 1.549

Scolopendra gigantea (còn được gọi là rết chân vàng khổng lồ Peru hoặc rết khổng lồ Amazon) là đại diện lớn nhất của chi Scolopendra nói riêng và cả lớp rết nói chung, kích thước trung bình của chúng là khoảng 26 cm. Động vật chân đốt sử dụng nọc độc để làm tê liệt con mồi, sau đó xơi tái chúng.

 Cơ thể dài và dẹt của nó có tới 27 đoạn, với 21 cặp chân.
Cơ thể dài và dẹt của nó có tới 27 đoạn, với 21 cặp chân. Cặp chân đầu tiên có vai trò như răng nanh, dùng để đâm và tiêm nọc độc vào cơ thể con mồi.

Rết khổng lồ có thể được tìm thấy ở miền bắc Colombia và miền bắc Venezuela, cũng như các đảo Aruba, Curaçao và Trinidad gần đó. Tuy nhiên, tổ tiên của nó đến từ Quần đảo Virgin thuộc Mỹ, Haiti, Mexico và Honduras. Môi trường sống lý tưởng của chúng thường là dưới gỗ, vỏ cây và trong lớp lá rừng nhiệt đới.

Đôi khi chúng có thể được tìm thấy trong các hang động. Để tìm hiểu thêm thông tin về sinh vật này, Newsweek đã có cuộc trò chuyện với Greg Edgecombe, một chuyên gia về rết.

Đối với động vật chân đốt, Scolopendra gigantea được xem như là vua về kích thước. Hầu hết các mẫu vật được tìm thấy trong nhiều bảo tàng dài từ 12 cm đến 26 cm, tuy nhiên, đã phát hiện cá thể dài đến 30 cm, có thể ăn được chuột và thằn lằn.

Với kích thước khổng lồ như vậy, loài côn trùng này đủ khả năng để giết và xơi tái động vật có vú nhỏ. Theo Edgecombe, rết là kẻ ăn tạp, chúng săn mồi dựa trên kích thước của mục tiêu, thậm chí chúng có thể ăn những con rết nhỏ hơn.

“Có lẽ báo cáo nổi tiếng nhất về Scolopendra gigantea là bản ghi chép cùng băng video tại một hang động đá vôi ở Venezuela xuất bản năm 2005”, chuyên gia cho biết.

Một cá thể Scolopendra gigantea chân trắng.
Một cá thể Scolopendra gigantea chân trắng.

Đoạn video ghi lại cảnh scolopendra gigantea bò lên tường hang, treo ngược, sử dụng cặp chân sau cùng của nó để bám vào một kẽ hở trên trần, sau đó bắt và giết ít nhất 3 loài dơi sống trong hang. Những con dơi này dĩ nhiên nặng hơn con rết.

Rết có thể giết chết con mồi bằng cách tiêm nọc độc vào cơ thể chúng. Edgecombe cho biết: "Rết có tuyến nọc độc nằm trong một cặp chân đã biến đổi ở vị trí dưới đầu. Nọc độc thần kinh từ chân của chúng có thể làm rối loạn hệ thống tim mạch, hô hấp và thần kinh, cuối cùng giết chết con mồi”.

“Thực tế là chúng đã giết và ăn thịt nhiều động vật có xương sống, và từ những gì chúng ta biết về nọc độc của các loài Scolopendra lớn khác, một vết cắn từ Scolopendra gigantea chắc chắn sẽ gây đau đớn cho con người. Vết cắn của rết khổng lồ rất hiếm khi gây tử vong cho chúng ta, nhưng cơn đau có thể dữ dội và sưng cục bộ là chuyện phổ biến”, Edgecombe nói.

Chỉ có một trường hợp tử vong được xác nhận là do bị rết cắn. Vào năm 2014, một đứa trẻ ở Venezuela đã bị cắn bởi một con rết đang trốn trong lon nước ngọt rỗng. Đứa trẻ được đưa đến bệnh viện liền sau đó nhưng tình trạng của nó đã nhanh chóng xấu đi, sau đó là tử vong. Các nhà nghiên cứu xác nhận thủ phạm là Scolopendra gigantea.

Edgecombe nói rằng Scolopendra gigantea là một "Scolopendra Thế giới Mới" điển hình. Điều này có nghĩa là các loài Scolopendra ở Bắc và Nam Mỹ đều có chung một "một vài đặc điểm, từ đó cho thấy chúng là họ hàng gần nhất của nhau và cùng tạo thành một đơn vị tiến hóa tự nhiên”.

"Tất cả chúng đều có một rãnh cong trên đoạn thân đầu tiên song song với đường viền phía sau đầu. Ngoài ra, chúng cũng có những cụm gai trên các đoạn của cặp chân sau mà chúng ta không thấy trên Scolopendra thế hệ cũ. Scolopendra gigantea có nhiều đặc điểm chung giống với những loài lớn khác từ Nam Mỹ và quần đảo Galápagos, điển hình như loài Scolopendra galapagoensis”, Edgecombe nói.

Cập nhật: 02/11/2024 VNReview
  • 1.549