Một đoạn lõi dài khoảng 1m nằm trong công trình đá thời tiền sử Stonehenge đã bị lấy mất trong quá trình khảo cổ năm 1958.
Đoạn lõi của khối đá tại Stonehenge được trả lại. (ẢNH CHỤP MÀN HÌNH CNN).
Không ai có thông tin gì về vật này cho đến khi ông Robert Phillips, nhân viên công ty Van Moppes chịu trách nhiệm sửa chữa công trình này, quyết định trả lại.
Theo CNN ngày 8/5, trong quá trình khai quật vào thập niên 1950, người ta phát hiện những vết nứt trên các tảng đá tại Stonehenge.
Để giúp các tảng đá không bị đổ gãy, kỹ sư của Van Moppes đã khoan một lỗ trên đó. Đoạn lõi của tảng đá được lấy ra và chèn vào đó bằng một đoạn dây kim loại.
Tổng cộng có 3 tảng đá bị khoan và ông Phillips lấy một đoạn lõi, 2 đoạn còn lại đến nay vẫn chưa có tung tích.
Quá trình khai quật, bảo tồn tại Stonehenge năm 1958. (Ảnh: Cơ quan lưu trữ lịch sử Anh).
Ông Phillips trưng bày đoạn lõi đá trong văn phòng làm việc và sau đó mang sang Mỹ, nơi ông sinh sống sau khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, đến dịp sinh nhật lần thứ 90, ông Phillips quyết định mang đoạn lõi đá trả lại cho English Heritage, tổ chức bảo tồn Stonehenge.
Đoạn lõi này được cho là phần quan trọng và là mẫu vật giúp các nhà khoa học nghiên cứu nhằm tìm ra nguồn gốc những tảng đá tại Stonehenge.
Cho đến ngày nay, giới khoa học vẫn chưa xác định được nguồn gốc thực sự của những khối đá Stonehenge và ai là người đã dựng nên công trình này.
Theo RT, các nhà nhân loại học trước đây cho rằng văn hóa cự thạch (văn hóa xây dựng các công trình lớn bằng đá) khởi nguồn từ Địa Trung Hải hoặc vùng Cận Đông trong khi một số giả thuyết khác nói nó được phát minh tại 6 địa điểm độc lập ở châu Âu.