Một thiên thạch áp sát Trái đất

  •  
  • 2.860

Hôm qua (27/6), một thiên thạch mới được phát hiện, có kích thước bằng một tòa cao ốc văn phòng bay sát Trái đất ở khoảng cách gần hơn 23 lần so với khoảng cách giữa hành tinh của chúng ta với Mặt Trăng.

Theo báo Telegraph, thiên thạch 2011 MD vừa được phát hiện hôm 22/6 vừa qua bởi một kính thiên văn đặt tại bang New Mexico (Mỹ). Các nhà khoa học cảnh báo, thiên thạch này có chiều rộng ước tính khoảng từ 9 - 45m bay qua Trái đất của chúng ta ở khoảng cách gần 18.000 km vào ngày 27/6 và có thể quan sát được bằng kính thiên văn nhỏ.

Thiên thạch 2011 MD áp sát trái đất
(Ảnh: Csmonitor)

Những địa điểm có thể quan sát thấy thiên thạch 2011 MD khi nó tiến gần Trái đất là các khu vực ở Nam Mỹ. Khi tiến sát bầu khí quyển của Trái đất, thiên thạch này sáng như một ngôi sao, nhưng sau đó nhanh chóng mờ dần.

Mặc dù bay qua Trái đất ở khoảng cách rất gần, nhưng các nhà khoa học khẳng định thiên thạch 2011 MD không có khả năng đi vào bầu khí quyển của Trái đất.

Nếu thiên thạch 2011 MD đi vào bầu khí quyển của Trái đất, nó sẽ bùng cháy như một quả cầu lửa, có thể tạo thành những trận mưa sao băng nhỏ. Tuy nhiên, chúng tôi chắc chắn rằng thiên thạch 2011 MD sẽ không va chạm với hành tinh của chúng ta”, tiến sĩ Emily Baldwin, một chuyên gia về thiên thạch người Anh, khẳng định.

Trước đó, các nhà khoa học cũng dự đoán, thiên thạch 2005 YU55 rộng 400m và nặng 50 triệu tấn có thể bay sát Trái đất trong quỹ đạo của Mặt Trăng vào ngày 8/11/2011. Nếu dự đoán này chính xác, đây sẽ là thiên thạch lớn nhất từ trước tới nay bay gần Trái đất.

Theo Csmonitor, VNN
  • 2.860