Nga và Mỹ kỷ niệm 50 năm ngày nhân loại phóng vệ tinh đầu tiên vào vũ trụ bằng một hiệp định sử dụng công nghệ Nga trong các sứ mệnh của NASA để tìm kiếm nước tại sao Hoả và Mặt trăng.
Giám đốc NASA Michael Griffin, ngày 3/10, đã ký thoả thuận hợp tác này với người đồng nhiệm Nga Anatoly Perminov, Giám đốc Cơ quan vũ trụ liên bang Nga (RosKosmos) tại Moscow.
Tham gia buổi lễ ký kết thoả thuận hợp tác lịch sử này còn có nhà du hành vũ trụ đầu tiên bước đi trong không gian, một người Nga, ông Alexei Leonov. 50 năm trước, ngày 4/10/1957, vệ tinh đầu tiên của loài người có tên gọi Sputnik đã được phóng đi từ lãnh thổ Nga.
Dù đã chạy đua quyết liệt trong hoạt động thám hiểm không gian từ thời chiến tranh Lạnh đến nay, Nga và Mỹ cũng đã có sứ mệnh hợp tác Apollo-Soyuz năm 1975 và sau đó là Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Theo thoả thuận ngày 3/10 này, NASA sẽ sử dụng các thiết bị khoa học của Nga trong một sứ mệnh phát hiện hydro, thành phần chủ đạo của nước trên Mặt trăng và sao Hoả. Các kỹ sư của NASA muốn sử dụng Tàu thăm dò Mặt trăng sẽ được phóng vào tháng 10/2008 để xác minh liệu hành tinh gần gũi Trái đất nhất này có tài nguyên gì có thể giúp việc đặt một trạm thường trực có người trên Mặt trăng vào thập niên tiếp theo.
Bề mặt sao Hỏa do tàu Opportunity chụp. (Ảnh: AP)
Nhà khoa học Gordon Chin của NASA nói với các phóng viên: “Thiết bị phát hiện neutron trên Mặt trăng (LEND) của Nga sẽ giúp chúng tôi xác định từng địa điểm mà nước có thể tồn tại”.
Một năm sau đó, NASA sẽ phóng Tàu Nghiên cứu khoa học sao Hoả không có người lái sẽ đến hành tinh Đỏ vào năm 2010 và sẽ ở đó hai năm đế phân tích bề mặt hành tinh. Tàu này cũng lại sử dụng công nghệ trên của Nga để tìm kiếm dấu hiệu của nước.
N.S