Ngộ độc thực phẩm 'vào mùa'

  •  
  • 329

PGS. TS Nguyễn Thị Khánh Trâm, phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế, cho biết mùa hè nắng nóng làm tăng nguy cơ ngộ độc ở các nhóm thực phẩm bao gói có hạn dùng ngắn ngày và các loại đồ ăn ngay.

Theo qui định, người chế biến thức ăn đường phố không đeo găng, không tạp dề, không dùng cặp gắp thức ăn như thế này sẽ bị xử phạt từ 100.000-300.000 đồng. Nhưng người ta cứ vô tư
Theo qui định, người chế biến thức ăn đường phố không đeo găng, không tạp dề, không dùng cặp gắp thức ăn như thế này sẽ bị xử phạt từ 100.000-300.000 đồng. Nhưng người ta cứ vô tư (Ảnh: N.Hà)
Từ đầu tháng tư đến nay, ngày nào Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận vài ca ngộ độc thực phẩm. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc, tình hình ngộ độc thực phẩm có xu hướng tăng mạnh trong gần chục ngày qua, nhưng không phải là hiện tượng bất thường.

Đầu hè là thời điểm ngộ độc thực phẩm... vào mùa. Không đợi nắng nóng “ngấm” dần, mà cứ hôm nào nhiệt độ tăng cao bất ngờ là lượng bệnh nhân phải nhập viện do ngộ độc cũng tăng lên.

Bác sĩ Nguyên nói trong khi nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do hóa chất và chất độc tự nhiên giảm đi đáng kể thì nguy cơ ngộ độc từ vi sinh vật lại tiếp tục tăng cao. Trong đó, có đến hơn 80% trường hợp ngộ độc từ thức ăn có nguồn gốc động vật.

5 giờ sáng 10-4, chị Đỗ Quỳnh Trang, 30 tuổi, Giáp Bát, Hà Nội được chuyển cấp cứu tại Trung tâm chống độc trong tình trạng đau quặn bụng, nôn, rối loạn nhịp tuần hoàn. Chị Trang được chẩn đoán ngộ độc cấp. Trưa  hôm trước, chị Trang đi ăn cơm thịt bê xào tại một quán cơm trên đường Giải Phóng.

Trước đó, anh Đoàn Văn Bình (34 tuổi, Đống Đa) ăn mì xào thịt bò tại một quán bia hơi trên đường Thái Thịnh; bà Trần Thị Bích Lộc (Giáp Bát, Hà Nội) ăn cơm có tôm, đậu, giá đỗ tại quán cơm bình dân cạnh bến xe Giáp Bát cũng phải nhập viện vì ngộ độc thức ăn.

Đoạn đường giao Bưởi - Thụy Khuê, cứ vào giờ tan tầm là tắc nghẽn vì lưu lượng giao thông lớn. Tuy nhiên, ngay bên đống đất đá của một công trình xây dở, khói bụi mịt mù, một năm nay rất nhiều hàng bán lòng, dồi cứ  “tập kết” thành... phố lòng.

TS Trâm cho hay trong bụi thường xuyên có vi sinh vật, nấm mốc, cộng với lượng xăng thải ra chứa nhiều kim loại nặng, nếu nhiễm vào thực phẩm sẽ tích lũy trong cơ thể dẫn đến ngộ độc... dần dần.

Phần lớn các thức ăn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc đều có thành phần nhiều dầu, đạm. Thực phẩm không được chế biến kỹ, không ăn ngay sau khi nấu, không bảo quản cẩn thận đều tạo thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và tấn công.

Đối với tủ lạnh, ngoại trừ ngăn đá không cho vi khuẩn phát triển ở 00C, ngăn làm lạnh chỉ có tác dụng hạn chế, làm chậm sự phát triển của vi khuẩn ở nhiệt độ 2-80C, rau quả cũng chỉ có thể được bảo quản 3-5 ngày.

Do vậy, nếu đưa quá nhiều thứ vào tủ lạnh, không khí không lưu thông, nhiệt độ không đảm bảo, đồ sống để trên đồ chín, thức ăn dễ bị rơi rớt lại, nhất là nước thịt sẽ lưu cữu trong tủ làm thực phẩm nhanh hỏng, dễ  ngộ độc.

NGỌC HÀ

Theo Tuổi trẻ Online
  • 329