Những câu truyện cười, các câu đố khó hiểu vốn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân vùng Lưỡng Hà cổ đại 3500 năm trước. Mới đây, các nhà khoa học đã làm sáng tỏ nội dung đoạn văn bản được khắc trên một tấm gỗ, góp phần cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về sở thích kỳ lạ đó.
Nội dung đoạn văn bản khá rời rạc, phần lớn đã bị mất và dường như được viết bởi một bàn tay còn thiếu kinh nghiệm. Nó là những câu đố xoay quanh chủ đề chính trị, bia và sex.
Nhóm nghiên cứu tuy không chắc chắn 100% về nguồn gốc của phiến gỗ đó nhưng họ tin rằng tác giả của nó sống ở phía nam vùng Lưỡng Hà cổ đại, gần Vịnh Ba Tư.
Giáo sư Nathan Wasserman đến từ ĐH Hebrew thuộc Viện Khảo cổ học Giê-ru-sa-lem và Giáo sư Michael Streck đến từ Viện Altorientalisches tại ĐH Leipzig đã trình bày chi tiết phát hiện này trong ấn phẩm mới nhất của tạp chí Iraq.
Vào thời điểm hơn 3.500 năm trước, Babylon (ảnh) là một trong những thành phố quan trọng nhất ở miền nam Lưỡng Hà. Rất có thể tác giả của những câu đố đó sống trong vương quốc này.
Đoạn văn bản được viết bằng ngôn ngữ Xê-mít vùng Lưỡng Hà. Đây là thứ ngôn ngữ thường được người dân Babylon cũng như người dân các vương quốc cổ đại ở Trung Đông sử dụng. “Câu đố viết bằng tiếng Xê-mít là một thể loại tương đối hiếm từng được tìm thấy từ trước tới nay”, Wasserman nói.
Năm 1976, nó được đặt tại Bảo tàng Iraq ở Baghdad. Sau thời gian đó, Iraq phải trải qua ba cuộc chiến tranh liên tiếp, bảo tàng bị cướp phá. JJ Van Dijk là người đã sao chép bản khác từ đoạn văn bản gốc. “Chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm ra nơi mà nó xuất hiện”, Wasserman cho biết.
Trong số những câu được giải mã, có câu khá thô thiển và đầy tính nhục dục, nhiều câu thì rất phức tạp và mang tính ẩn dụ. Nhưng trong câu sau đây, người ta lại thấy xuất hiện một chút hài hước về mặt chính trị, mặc dù nghe cũng khá bạo lực: “Ông ta khoét mắt ra: Đó không phải là số phận của một người đàn ông đã chết. Ông ta đã cắt cổ: Một người đàn ông chết (-Đó là ai?)”. Và câu trả lời ám chỉ một người chỉ huy hay có thể gọi là một thống đốc.
“Câu này mô tả sức mạnh của một thống đốc giống như những thẩm phán có thể trừng phạt hoặc kết án tử hình với bất kỳ ai”, Streck và Wasserman viết.
Hai câu đố tiếp theo mang tính rời rạc, dâm dục, tục tằn và khó hiểu với nghĩa khi được dịch ra (nhưng không chắc chắn) là: “(Cô gái) bị phá trinh đã không mang thai. (Cô gái) không bị phá trinh đã có thai (- Điều này là sao?)”.Câu trả lời khá kỳ lạ, đó là “lực lượng phụ trợ”. Wasserman cho hay ý nghĩa của điều bí ẩn này vượt quá sự hiểu biết của ông. “Tôi không hiểu những gì đang thực sự xảy ra, các lực lượng phụ trợ thường bao gồm những binh lính không giỏi, chỉ đạt dưới mức trung bình và họ thực sự không đáng tin cậy, đôi khi họ chạy trốn giữa trận chiến”, ông nói.
Ngoài ra, một câu khác, rất lủng củng và thô thiển: “…của mẹ bạn, là người đã giao hợp (với bà ấy) (-Đó là ai/cái gì?)”. Tuy nhiên, đáp án của câu hỏi này đã bị mất.
Đặc biệt có câu lại dựa trên phép ẩn dụ: “Tòa tháp thì cao nhưng lại không thấy cái bóng của nó (-Nó là gì?)”. Câu trả lời là ánh sáng mặt trời. Hãy tưởng tượng bạn đang ở bên ngoài và nhìn thấy các tia nắng trên bầu trời. “Nó trông giống như một cái tháp và tất nhiên là không có bóng, bởi vì chính nó là ánh sáng”, Wasserman giải thích.
Câu đố cuối cùng dựa trên tính logic (Lưu ý: bản dịch của câu đầu tiên vẫn chưa chắc chắn): “Nó giống như một con cá trong một cái ao. Nó cũng giống như những đoàn quân trước nhà vua (-Nó là cái gì?)”.
Câu trả lời là một cánh cung bị hỏng. Và đây là lý do: Những người lính đứng trước nhà vua là những người lính không phải ra chiến đấu, bảo vệ vương quốc. Ngoài ra “một con cá trong ao thực chất không hề có ích khi bạn đang đói. Tương tự như vậy, một cái cung bị hỏng cũng chỉ là vật vô ích khi bạ ra chiến trường hoặc đi săn một con nai”, Wasserman kết luận.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh số lượng còn lại của các câu đố tiếng Xê-mít là “rất nhỏ”. Do vậy, tấm gỗ này là vật chứng quan trọng giúp khám phá các thể loại văn học thời cổ đại.