Người tàng hình sẽ trở thành hiện thực

  •   53
  • 5.118

Năm 2003 Nhật Bản đã thành công trong việc chế tạo ra bộ quần áo công nghệ cao giúp con người có thể tàng hình trước mắt người khác. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần cơ thể bị các thiết bị công nghệ cao làm cho trong suốt, còn phần đầu và hai vai thì vẫn y nguyên. Các nhà khoa học Mỹ đang thực hiện một kế hoạch đầy tham vọng hơn nhằm biến con người hoàn toàn tàng hình trước mắt bạn!

Bạn hãy tưởng tượng một người lính đang quỳ gối trước một bức tượng: một phần thân thể anh ta giống như các viên sỏi trang trí trên tường. Năm phút sau, anh ta lại đổi "màu" vì phía sau anh là một hậu cảnh khác. Trong hoàn cảnh này, anh ta giống như đúc với cảnh vật phía sau!Người lính đang mặc bộ đồng phục có màu sắc thay đổi tuỳ theo môi trường chung quanh!

Bác sĩ Kemp quay trở lại chiếc ghế bành. Mới dựa lưng ngồi xuống, ông đã có cảm giác như có vật thể nào đó đang bước vào phòng. Có lẽ một luồng gió, vì ông không nhìn thấy gì bất thường. Nhưng đột nhiên có một giọng nói vang lên, không biết từ đâu. Thật rùng rợn! Rồi đột nhiên chiếc ghế đặt trong góc nhà chạy đến về phía ông, như bị một phép thuật nào đó sai khiến. Chưa hết, bề mặt ghế ngồi lún xuống như có ai đó đang ngồi vào. Cuối cùng, như trong phim thần thoại, một que củi đặt từ xa bay lên trong không trung rồi chui tọt vào lò sưởi!

Bác sĩ Kemp đang chếnh choáng vì uống hai ly rượu sherry của Anh chăng? Không, đây là một đoạn phim người vô hình, sản xuất vào năm 1993, nói về một nhân vật kỳ bí được nhà văn Herbert George Wells nghĩ ra vào cuối thế kỷ 19, một tác phẩm gặt hái nhiều thành công khi chuyển thể sang điện ảnh.

Không cần nhờ đến điện ảnh, trong tương lai không xa con người có thể "tàng hình" nhờ vào những sáng tạo mà một nhóm nhà khoa học Mỹ đang thực hiện. Thật vậy, tại trung tâm nghiên cứu quân sự Natick đặt tại bang Massachusetts (Mỹ), các nhà nghiên cứu đang say mê với dự án chế tạo những loại trang phục kỹ thuật cao giúp binh lính đạt được thành công lớn nhất trong chiến đấu. Chẳng hạn họ nghiên cứu bộ "đồng phục tức thì" mà người ta có thể "đắp" trực tiếp lên binh lính, hay đồng phục kín trong nước nhưng lại hở trên mặt đất, và độc đáo nhất là đồng phục biến con người thành vô hình!

Ở đây người ta không sử dụng những kỹ thuật quen thuộc để giúp binh lính "qua mặt" những hệ thống phát hiện điện tử tinh xảo. Chẳng hạn thiết bị ngăn cản cơ thể phát tia hồng ngoại, hay chất liệu - như dùng để bọc máy bay tàng hình - không cho sóng radar "bám" vào. Các nhà nghiên cứu của Natick hướng đến một hệ thống khiến cho đối phương không thể nhìn thấy những ai mặc trang phục! So ra thì trang phục này cao cấp hơn trang phục nguỵ trang, vì loại sau sẽ mất tác dụng một khi hậu cảnh bị thay đổi. Cũng chính từ đây mà các nhà khoa học Mỹ nảy ra ý tưởng: chế tạo một loại đồng phục mà màu sắc thay đổi tuỳ theo môi trường chung quanh! Bạn hãy tưởng tượng một binh lính đang quỳ gối trước một bức tượng, một phần thân thể anh ta giống như các viên sỏi trang trí trên tường. Năm phút sau, anh ta lại đổi "màu" vì phía sau anh là một hậu cảnh khác. Trong hoàn cảnh này, anh ta giống như đúc với cảnh vật phía sau!

Trang phục kỳ lạ này hoạt động ra sao? Đây là một dự án dài hơi nằm trong khuôn khổ chương trình Future Warrior 2025, nhằm tìm kiếm những trang phục chiến đấu kỹ thuật cao cho binh lính Mỹ trong vòng 20 năm tới. Jerry Whitaker, trưởng phòng thông tin của Natick nói: "Chúng tôi rất tự hào về những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực nguỵ trang. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để thông báo những chi tiết kỹ thuật
". Nói chung thì thông tin về "chiếc áo vô hình" vẫn còn là "vô hình"!

Thật khó mà vén được bức màn bí mật này, vì người ta đã biết được con đường mà các nhà khoa học Mỹ đang đi: tất cả nằm trong khuôn khổ "trang phục thông minh". Ngoài công cụ che thân, trang phục này còn có thêm một công dụng đặc biệt nào đó, chẳng hạn áo khoác-điện thoại thì giúp truyền và nhận âm thanh (bộ phận tiếp nhận và truyền âm giấu bên trong áo), hay khăn choàng quay phim (camera nguỵ trang bên trong khăn)… Không cần đến Mỹ để khám phá những sản phẩm độc đáo này, chúng được làm ra ở Pháp, tại vùng Grenoble, nơi có vệ tinh của Viện nghiên cứu và phát triển của France Télécom. Tại đây, các nhà khoa học đang nghiên cứu một chất liệu được xem là cơ bản của "trang phục vô hình" kiểu Mỹ: sợi quang học. Nhóm nghiên cứu Grenoble do André Weill dẫn dắt đã sử dụng loại sợi này để làm ra một màn hình mềm mại. Dùng sợi quang, người ta làm ra một bàn cờ vua 64 ô, trong đó tất cả sợi tập trung trong một ô được nối với một diode, nghĩa là một ampoule dùng làm nguồn sáng.

Nguồn sáng này được đám sợi quang bắt giữ rồi phát ra bên ngoài. Như vậy là đám sợi biến đổi "ô cờ" mà chúng tập hợp thành một vùng đồng nhất, phát ra ánh sáng cùng một mức độ. Một dạng pixel, như pixel cấu tạo màn hình truyền hình! Chính sự tương phản về ánh sáng giữa tất cả những "ô cờ" đã tạo nên hình ảnh, và sự biến đổi về thời gian của sự tương phản này cho phép tạo ra những hình ảnh sống động.

Kiểu mẫu do France Télécom thực hiện được xem là tiền đề cho "chiếc áo vô hình". Nếu áo có kích thước của một màn hình nhỏ (30x30cm), màn hình này chỉ có 64pixel, quá ít so với màn hình 1.024pixel mà bạn thường xem trong phòng khách. Nhưng chỉ cần nhân số ô pixel này là người ta có thể làm cho độ rõ nét tăng lên. Và như thế, bất chấp kích thước nhỏ, màn hình mới này vẫn có thể truyền đi bất kỳ hình ảnh nào. Vấn đề còn lại là phóng đại màn hình để cuối cùng có được hiệu quả "vô hình".

Giờ đây, bạn hãy tưởng tượng những sợi quang không chỉ được phân phát trên bề mặt tương ứng với bề mặt truyền hình mà bao phủ toàn bộ đồng phục binh lính. Do đó, trang phục trở nên sáng chói và người lính biến thành một màn hình khổng lồ di động, trên đó người ta không còn truyền đi những hình ảnh hình học mà là hình ảnh của môi trường chung quanh qua trung gian những camera gắn đều đặn trên áo.

Các camera này ghi liên tục tất cả hình ảnh xung quanh, truyền về "hộp đen" của hệ thống - chứa bộ nhớ và mạch vi xử lý - nằm trên trang phục. Đến lượt mình, chiếc máy tính xách tay thật sự này truyền thông tin về những diode có tác dụng làm sáng những sợi quang. Kết quả là các hình ảnh của môi trường cứ thường xuyên xuất hiện trên thân thể người lính: trên bụng anh ta là những viên gạch mà camera phía sau quay được, trước ngực là hàng rào dây kẽm gai… Cuối cùng thì người lính trở nên hoàn toàn trong suốt! Tuy nhiên, lý thuyết này vẫn còn nhiều trở ngại. André Weill giải thích: "Hãy lấy thí dụ kiểu mẫu màn hình của chúng tôi, nó được một cục pin 3,5 volt cung cấp năng lượng trong vòng 2 giờ. Nếu là một màn hình phủ khắp đồng phục thì thử hỏi cần đến biết bao năng lượng. Lúc ấy người lính phải mang vô số cục pin trên người!". Tiếp theo là vấn đề diode, nguồn sáng mà sợi quang kết nối. André Weill nói tiếp: "Kiểu mẫu của chúng tôi cần 64 diode, mỗi diode cho một pixel, nhưng để có trang phục vô hình người ta phải cần đến hàng ngàn cái. Điều này khiến cho áo trở nên cồng kềnh, vướng víu".

Nhưng việc nghiên cứu sợi thông minh chỉ mới ở giai đoạn đầu, việc thu nhỏ diode và pin chắc chắn sẽ đạt được những kết quả đáng kể. Và để thuyết phục những ai chưa tin hoặc không nghĩ rằng một ngày nào đó con người sẽ sử dụng đến trang phục dệt bằng sợi quang, các nhà khoa học đề nghị lui lại quá khứ một chút, vào đầu thế kỷ 20, để biết được tất cả. Thời đó người ta chỉ biết đến những loại sợi tự nhiên, len, cotton, lụa…, nhưng đến những năm 1930, khi con người sáng tạo ra nylon thì từ đó loại sợi tổng hợp này có mặt ở mọi nơi. Liệu ngày nay ai dám nói rằng sợi quang không đạt những thành công tương tự như nylon trong tương lai?

Hồng Vân

Theo SGTT
  • 53
  • 5.118