Từ những cuộc đi săn thú 12.000 năm trước, người tiền sử đã tỏ ra rất sành ăn không kém gì người hiện đại khi họ biết lóc thịt, rút xương bẻ gãy để lấy tủy ăn.
Tất cả những điều kể trên đã được một nhóm nhà khảo cổ học phát hiện ra khi khai quật một vùng đất thuộc thời tiền sử của Đan Mạch và công bố trên Tạp chí Journal of Archaeological Science.
Theo đó, các nhà khoa học đã tìm thấy những mảnh xương của heo rừng, hươu đỏ, nai sừng tấm và bò rừng tại phía nam Zealand, Đan Mạch. Trong đó đa số là các mảnh xương nai sừng tấm.
Người cổ đại rất sành ăn tủy xương nai. (Ảnh: nmconservationnetwork.org)
Do được bảo quản tốt nên các nhà khoa học đã xây dựng mô hình cho phép phân tích được các hoạt động liên quan đến việc làm thịt nai đã diễn ra như thế nào.
Theo nhà khảo cổ học Charlotte Leduc tại Đại học Paris, các thợ săn thời cổ đại đã biết cắt đầu nai và các bộ phận khác của cơ thể để lột da con vật. Rồi lọc thịt từ các bộ phận như các chi trước, sau. Đặc biệt họ còn bẻ gãy xương để lấy tủy ăn sống, đây là một món ăn ngon tại nhiều nhà hàng hiện nay trên thế giới.
“Tủy xương đã được các thợ săn thưởng thức ngay sau khi giết mổ con vật. Đó là phần thưởng giành cho một cuộc đi săn thành công”, nhà khoa học Wietske Prummel tại Đại học Groningen cùng tham gia nghiên cứu cho biết.