Tổ yến có thực sự tốt như lời đồn?

  •   3,45
  • 11.923

Với giá lên tới hàng trăm triệu đồng cho mỗi kg, tổ chim yến được xem là một trong số những loại thực phẩm đắt nhất trên hành tinh mà nhiều người thường gọi đùa là “vàng trắng”.

Làm từ chính nước bọt của một loài chim yến nhỏ chuyên sống trong các hang động ở châu Á có tên swiftlet, tổ yến được xem là thức ăn rất có lợi cho sức khỏe với giá trị dinh dưỡng cao, thậm chí còn là thành phần không thể thiếu trong 1 số loại mỹ phẩm làm đẹp, theo sách Y học cổ truyền Trung Quốc. Ngoài ra, đây còn là vị thuốc hữu hiệu giúp chống lão hóa, ngăn ngừa ung thư, nâng cao ham muốn tình dục...

Tổ yến có giá lên tới hàng trăm triệu đồng cho mỗi kg.
Tổ yến có giá lên tới hàng trăm triệu đồng cho mỗi kg.

Tuy nhiên, trong một bài viết trên tạp chí Nghiên cứu Thực phẩm Quốc tế mới đây, 2 chuyên gia Fucui Ma và Daicheng Liu đến từ Đại học Sơn Đông (Trung Quốc) nhận định khoa học hiện đại không thể tìm ra và giải thích được khả năng chữa bệnh tuyệt vời của món súp yến. “Những ảnh hưởng lên cơ thể và giá trị chữa bệnh thực sự của nó vẫn còn là câu hỏi đối với y học”, họ nói.

Yến swiftlet sống trong các hang động đá vôi quanh khu vực Ấn Độ Dương, Nam Á, Đông Nam Á, phía bắc Australia và những hòn đảo Thái Bình Dương. Con đực làm nhiệm vụ xây tổ trên các vách đá thẳng đứng. Cho nên, việc thu hoạch chúng là quá trình rất nguy hiểm đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẩn pha chút liều lĩnh.

Protein với các axit amin thiết yếu là thành phần chủ yếu được tìm thấy trong tổ yến. Bên cạnh đó, nó cũng chứa 6 loại hormone (bao gồm cả testosterone và estradiol), hợp chất carbohydrate, lượng nhỏ lipid. Không ít nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, tổ yến còn chứa nhiều chất có thể kích thích quá trình phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng và tái tạo mô, hạn chế bệnh nhiễm trùng như cúm. Mặc dù vậy, không phải cơ thể ai cũng phản ứng tốt với các thành phần đó. Trong nhiều trường hợp, đây là nguyên nhân gây ra sốc phản vệ, một loại phản ứng dị ứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng người sử dụng.

Cho đến nay, vẫn còn quá ít nghiên cứu khoa học đi sâu tìm hiểu chức năng sinh học của nó mà hầu hết vẫn chỉ dựa trên nguồn thông tin từ những bài thuốc cổ truyền Trung Hoa có từ hàng trăm năm trước.

Tham khảo: Livescience

Theo Đất Việt, Livescience
  • 3,45
  • 11.923