Giải Nobel Văn học năm 2011 đã vinh danh nhà thơ người Thụy Điển, Tomas Transtroemer.
Trong lễ công bố giải ngày 6/10 tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển, Ủy ban giải thưởng Nobel nhấn mạnh bằng những tác phẩm thi ca giàu tính hình tượng, ngôn ngữ trong sáng và cô đọng, ông đã mang lại cho nhân loại một cách tiếp cận tinh khôi đối với thực tế.
Transtroemer sinh năm 1931 tại thủ đô Stockholm và được đánh giá là nhà thơ có ảnh hưởng trên thế giới. Ông tốt nghiệp Khoa Tâm lý học trường Đại học Stockholm năm 1956. Ngay từ thuở niên thiếu, Transtroemer đã say mê văn học và bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi.
Tomas Transtroemer
Tập thơ đầu tiên của ông đến với bạn đọc năm 1954. Tập thơ mới nhất "Den stora gatan" (Điều bí ẩn lớn) của ông được xuất bản năm 2004. Ngoài thi ca, Transtroemer cũng viết một cuốn hồi ký ngắn có tên "Minnerna ser mig" (Những kỷ niệm đang nhìn tôi).
Trong sự nghiệp văn chương của mình, nhà thơ Transtroemer đã được tặng nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có Giải Petrarch của Đức (năm 1981) và Giải Bonnier về thơ (năm 1983). Tới nay các tác phẩm thi ca của ông đã được dịch ra hơn 50 thứ tiếng trên thế giới.
Giải Nobel Văn học là một trong hai hạng mục được chờ đợi nhất mỗi kỳ Nobel, bên cạnh giải Nobel Hòa bình, và thường các dự đoán thường trật nhiều hơn trúng, do giải thưởng có khuynh hướng được trao cho những tác giả không phải là phổ biến rộng rãi trong cộng đồng độc giả văn học toàn cầu.
Những người đoạt giải trước Transtroemer gần đây gồm: Mario Vargas Llosa, Herta Mueller, Jean-Marie Gustave Le Clezio, Doris Lessing, Orhan Pamuk, Harold Pinter, Elfriede Jelinek, JM Coetzee, Imre Kertesz, VS Naipaul, Cao Hành Kiện, Guenter Grass, Jose Saramago, Dario Fo và Wislawa Szymborska.
Trước khi Nobel Văn học 2011 được công bố thì có nhiều đồn đoán là nhà thơ người Syria Adonis sẽ đoạt giải, bởi tình hình chính trị ở Syria đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Vào tháng 6, Adonis, tên thật là Ali Ahmed Said hiện đang sống tại Pháp, đã đăng một lá thư công khai cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad trên một tờ báo xuất bản tại Lebanon yêu cầu ông ngừng đàn áp người biểu tình.
Trong danh sách các ứng cử viên trong năm nay còn có một nhà văn khá quen thuộc với độc giả Việt Nam là tác giả người Nhật Haruki Murakami, người được biết đến nhiều với những tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt như Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót... Song rốt cục, Murakami đã lỗi hẹn với giải văn chương uy tín nhất thế giới.
Một ứng viên nặng ký khác cũng trượt giải là huyền thoại âm nhạc Mỹ Bob Dylan, người từng tới Việt Nam biểu diễn hồi giữa năm nay.