Nhà ứng cứu cho tình trạng khẩn cấp

  •  
  • 473

Hơn 10 năm là quãng thời gian mà kỹ sư Hà Trọng Dũng, giám đốc Trung tâm thiết bị đồ chơi sinh học Protec 2000 đã bỏ ra để nghiên cứu và hoàn chỉnh mô hình ngôi nhà dành cho các tình trạng khẩn cấp, có thể dùng để ứng cứu cho nhân dân các vùng thường xuyên bị bão lụt úng ngập, sạt lở đất hay động đất.

Ngôi nhà đa năng

Ngay từ khi vào quân đội (năm 1979), kỹ sư Hà Trọng Dũng đã rất đam mê với công việc vẽ kỹ thuật, và cũng trong thời gian này, ông đã bắt đầu ấp ủ ước mơ chế tạo ra những công trình độc đáo. Mai tới năm 1984, chuyển về Văn phòng Tổng cục Dạy nghề (Bộ GD-ĐT), ông mới có điều kiện hơn đề thiết kế hàng loạt đồ chơi sinh học cho các em học sinh như: thiết bị tung ném bóng rổ, cầu chui chữ chi, tổ hợp thang leo xích đu...

Không dừng lại ở đó, tới năm 1989, ông tiếp tục tự bắt tay vào nghiên cứu một dự án "to" hơn. Đó chính là mô hình nhà cho các tình trạng khẩn cấp (công trình này được ông đặt ký hiệu là nhà Modul HD-21N). Công việc đầu tiên được ông xác định là tìm ra những nhược điểm của các căn nhà vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long xây dựng bằng bê tông, cốt thép.

Kỹ sư Hà Trọng Dũng

Kỹ sư Hà Trọng Dũng (Ảnh: TTO)

Theo ông Dũng, những loại nhà như thế tuy kiên cố nhưng mỗi khi xảy ra bão, lũ dễ bị lún, sụt do trọng lực quá lớn, nhà lợp bằng mái tôn kiểu cũ, bằng ngói thì dễ bị tốc mái, còn nhà bằng tranh tre, nứa lá thường bị xoá sổ sau mỗi đợt bão.

Nhà HD-21N được thiết kế đạt 3 tiêu chuẩn quan trọng là: nhanh, mạnh mẽ và hiệu quả. Nhà được thiết kế đạt tiêu chuẩn như một ngôi nhà cấp 4 với diện tích tùy thuộc vào nhu cầu ở khoảng từ 18-24m2, cao 3-4m, rộng 6m. Toàn bộ căn nhà được lắp ghép thành một khối chịu lực không gian, đế là một khối liên kết ngang thành mặt phẳng, trọng tâm chịu lực ở giữa, thiết bị làm nhà là các ống nước tráng kẽm, mái lợp bằng tôn.

Ông Dũng cho biết, với kiểu thiết kế này, có thể dựng được nhà trong mọi điều kiện địa hình (chỉ cần san nền là xong), thời gian để lắp ghép một ngôi nhà như thế cũng rất ngắn, thường chỉ mất khoảng một giờ đồng hồ và cũng có thể di chuyển nhà đi các nơi khác rất nhanh gọn.

Một ưu điểm nữa của ngôi nhà này là ngay cả khi bị gió bão hay động đất kéo đổ vẫn có thể khôi phục lại được ngay. Mặt khác, do được thiết kế theo dạng “mở”, nên người sử dụng cũng có thể mở rộng diện tích nhà lên từ 10-12m2, độ cao của mái cũng nâng được thêm từ 2,2-3m, tuỳ thuộc vào điều kiện địa hình.

Không chỉ dựng được trên các nơi có địa hình bằng phẳng như ở các vùng ven biển... nhà HD-21N còn có thể dựng được trên phao, cọc tránh ngập trên sông để tránh lũ...

Mong nhà sớm đến với người dân

Hiện tại, mô hình ngôi nhà HD-21N đã được ông Dũng chế tạo hoàn chỉnh và đang dựng ở nhà của mình. Ông Dũng cho biết, năm 2000 ông đã từng bán hai ngôi nhà dạng này cho một đơn vị xây dựng ở Hạ Long (Quảng Ninh) để làm nhà di động cho công nhân và trụ sở chỉ huy công trường, với tổng chi phí từ 25-30 triệu đồng/căn. Nhà có độ bền sử dụng 10-15 năm, nên tính ra chi phí thấp hơn rất nhiều so với các kiểu nhà khác.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, để đưa mô hình nhà này vào sử dụng rộng rãi, ông rất cần có sự hợp tác của Nhà nước và chính quyền địa phương, vì đây là một công trình đòi hỏi cần được làm theo một hệ thống, chứ không thể làm nhỏ lẻ.

Cái khó hiện nay mà ông Dũng lo lắng là sợ mô hình ngôi nhà này của mình bị ăn cắp bản quyền, nên không thể sản xuất đồng bộ. Do đó, vấn đề không phải là ông muốn bán bản quyền cho các doanh nghiệp, mà chỉ cần các doanh nghiệp cùng hợp tác sản xuất, vì hiện tại về cơ bản, ông đã hoàn thiện công thức chế tạo và có thể sản xuất đồng loạt ngay lập tức với số lượng hàng triệu căn nhà. Đồng thời, các địa phương nằm trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai cũng cần phải thay đổi tập quán sống cho bà con như thành lập hệ thống dự trữ nhà khẩn cấp từ trung ương đến xã, để khi xảy ra bão lũ có thể đưa vào sử dụng được ngay.

Theo Nhân dân, Nông thôn ngày nay, TTO
  • 473