Đồ lặn ban đầu ra đời với mục đích hỗ trợ các nhiệm vụ trục vớt trong thời kỳ nhiều tàu thuyền chở hàng hóa giá trị bị đắm.
Những bộ đồ đầu tiên được thiết kế vào thập niên 1710. Năm 1715, nhà sáng chế người Anh John Lethbridge tạo ra bộ đồ lặn đóng kín đầu tiên với ống tay chống nước, thùng chứa khí nén và một ô cửa quan sát.
Minh họa bộ đồ lặn do John Lethbridge thiết kế năm 1715. (Ảnh: Diving Suit).
Năm 1797, nhà phát minh Ba Lan Karl Heinrich Klingert trở thành người đầu tiên phát triển bộ đồ lặn toàn thân gồm mũ bảo hiểm kim loại, đai lưng kim loại to bản, quần và áo làm bằng da chống nước. Một máy bơm phía trên cung cấp không khí cho thợ lặn qua chiếc ống dài và nặng.
Bước nhảy vọt tiếp theo của công nghệ lặn xuất hiện năm 1837 với sự ra đời của những bộ đồ thiết kế để "đóng hộp" thợ lặn trong lớp da chống nước dày, mũ bảo hiểm bằng kim loại và những chiếc ủng nặng. Mũ bảo hiểm loại này được sử dụng suốt hơn một thế kỷ. Bộ đồ cũng giúp thợ lặn cử động dưới nước tự do hơn.
Bộ đồ lặn của Karl Heinrich Klingert năm 1797 (trái) và anh em Carmagnolle năm 1878 (phải). (Ảnh: Rare Historical Photos).
Năm 1878, anh em Alphonse và Theodore Carmagnolle, hai nhà phát minh người Pháp, phát triển bộ giáp lặn với 20 ô cửa nhỏ, phần tay chân có nhiều khớp nối. Họ nhận bằng sáng chế cho bộ đồ nặng 380 kg này.
Đây là Bộ đồ lặn áp suất (ADS) hình người đầu tiên, áp suất bên trong là 1 atm, bằng với áp suất trên bề mặt. Điều này giúp thợ lặn không cần lo lắng về những nguy hiểm do giảm áp suất. Tuy nhiên, đáng buồn là bộ đồ không hoạt động hiệu quả và các khớp nối không hoàn toàn chống nước. Ngày nay, bộ đồ gốc được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân Quốc gia Pháp, Paris.
Thiết bị lặn của Henry Fleuss. (Ảnh: All Things Diving).
Cũng trong thời gian này, kỹ sư Henry Fleuss ở London trở thành thợ lặn với bình khí đầu tiên. Ông phát minh ra Thiết bị thở dưới nước độc lập (SCUBA) sử dụng oxy nén. Ông được trao bằng sáng chế năm 1878.
SCUBA giúp con người không cần phụ thuộc vào không khí do máy móc trên mặt nước cung cấp. Bộ đồ gồm mặt nạ cao su nối với túi khí cao su, bình oxy bằng đồng và máy lọc để lọc CO2, giúp khí thải ra có thể hít thở lại. Ban đầu thiết bị này ra đời để cứu thợ mỏ bị mắc kẹt. Tuy nhiên, tiềm năng sử dụng dưới nước của nó nhanh chóng được phát hiện. Dù hạn chế độ sâu mà thợ lặn có thể hoạt động do nguy cơ nhiễm độc oxy, đây vẫn là một thiết kế mang tính đột phá.
Hải quân Anh là lực lượng đầu tiên huấn luyện và tuyển chọn thợ lặn để làm nhiệm vụ, tiếp theo là Hải quân Mỹ với chương trình đào tạo năm 1882. Tuy nhiên, công nghệ lặn vẫn chưa được chú trọng cho đến năm 1898, khi tàu USS Maine của Mỹ chìm xuống biển. Các thợ lặn chứng minh được vai trò quan trọng của mình khi thu hồi bộ mật mã của con tàu, ngăn nó rơi vào tay quân địch.