Sau thời gian đầu gây "sốt", "cây Mặt trăng" rơi vào quên lãng trong khoảng 40 năm nay. Thậm chí nhiều người không biết sự có mặt của chúng.
Theo National Geographic, năm 1971, trong chuyến lên không gian thuộc sứ mệnh Apollo 14, nhiều hạt giống đã được mang theo cùng tàu vũ trụ.
Cây mặt trăng ở Fort Smith, Arkansas - (Ảnh: WIKIMEDIA).
Khi đó, Ed Cliff - Giám đốc Cơ quan lâm nghiệp Mỹ bấy giờ - đề nghị Stuart Roosa, một trong ba phi hành gia lên tàu Apollo 14, mang theo một thùng chứa 500 hạt giống, gồm các loài thân gỗ phổ biến ở Mỹ như sung dâu, thông, gỗ đỏ…
Theo nhà khoa học Stan Krugman - từ Cơ quan lâm nghiệp Mỹ - nhóm nghiên cứu muốn xác định những hạt giống sau khi vào vũ trụ có còn khả năng nảy mầm khi trở về Trái đất? Nếu có, chúng sẽ phát triển thế nào?
"Tôi lựa chọn từng hạt giống có sức khỏe tốt nhất và dễ trồng ở nước Mỹ. Ngoài số hạt được đưa vào không gian, tôi chia ra phân nửa và để lại ở Trái đất để có thể so sánh quá trình phát triển" - ông Krugman nói.
Bản thân Krugman cũng không tin vào khả năng sống sót của số hạt giống trên. Ông cho rằng do bị phơi nhiễm với môi trường áp suất cực thấp, các hạt này sẽ mất khả năng phát triển.
Phi hành gia Roosa và sứ mệnh Apollo 14 - (Ảnh: NASA).
Tuy nhiên, sau khi được phân loại cẩn thận, hạt giống vẫn nảy mầm và mọc thành cây bình thường.
Các hạt giống này sau đó được trồng ở nhiều địa điểm công cộng trên khắp nước Mỹ như Quảng trường Washington ở Philadelphia, trường tiểu học Lowell ở Idaho… từ những năm cuối thập niên 1970.
Một số cây dùng để làm quà ngoại giao của Mỹ với các quốc gia thân cận, trong đó có cây được tặng cho Nhật hoàng Hirohito.
Thậm chí có cây còn được trồng trước Nhà Trắng dưới thời của Tổng thống Gerald Ford. Khi đó, Ford gọi những chiếc cây này là "biểu tượng sống của loài người với các thành tựu khoa học".
Cây "mặt trăng" được trồng ở Công viên Washington Square năm 1975 - (Ảnh: NASA).
Sau thời gian đầu được chú ý, "cây Mặt trăng" dần bị lãng quên, một phần do chúng khi lớn lên trông chẳng khác gì những cây cùng loại.
Đến những năm 1990, nhà khoa học Dave Williams thuộc NASA nhận được email của Joan Goble - giáo viên một trường tiểu học ở Indiana - kể rằng khi cùng học sinh đi dã ngoại, cô tình cờ bắt gặp một cây có dòng chữ "cây Mặt trăng". Goble không hiểu và muốn được giải thích.
Williams thừa nhận lúc đấy ông cũng không hề biết về "cây Mặt trăng" từng được trồng ở khu vực đó. Ngay cả khi hỏi nhiều đồng nghiệp, ông vẫn không nhận được câu trả lời.
Cây "mặt trăng" thế hệ thứ 2 ở Trường Tiểu học Apollo (Mỹ) - (Ảnh: NASA).
Cảm thấy xót xa cho số phận của những "cây Mặt trăng" vô danh, Williams tự mình lên đường tìm kiếm thêm những cây "thất lạc" và thống kê số lượng thực tế của chúng trên khắp nước Mỹ.
"Tôi nghĩ đây là một câu chuyện thú vị và rất muốn chia sẻ với mọi người về những thành tựu của không gian trước đây" - Williams nói.
Ông cho biết hiện tại mình đã xác định được vị trí của 80 cây sau gần 30 năm tìm kiếm, trong đó có 19 cây ở các công viên hoặc vườn bách thảo, 12 cây ở các trường học, 11 cây ở các tòa nhà công quyền, 5 cây ở các viện bảo tàng, số còn lại phân bố rải rác ở những khu vực khác…
Tuy nhiên, con số này vẫn là rất nhỏ so với tổng cộng khoảng 500 hạt giống được đưa lên không gian cách đây gần nửa thế kỷ.
Cây "mặt trăng" ở khuôn viên ĐH Arizona (Mỹ) - (Ảnh: NASA)
Hiện tại, vẫn chưa có một nghiên cứu sâu rộng nào về những "cây Mặt trăng" này trên diện rộng và trong khoảng thời gian đủ dài để biết xem liệu cây có chịu những tác động nào từ chuyến đi vòng quanh Mặt trăng trên tàu Apollo 14 hay không.
Và một nghiên cứu đầy đủ cũng chính là đích đến của Williams và công trình hiện tại.
Trong số những phi hành gia từng tham gia sứ mạng Mặt trăng, tới nay chỉ có 12 người còn sống và đều đã hơn 80 tuổi. Nếu nước Mỹ không sớm đưa con người trở lại Mặt trăng, 'cây Mặt trăng' sẽ là thứ duy nhất còn sống từng được đưa tới Mặt trăng.