Con người vẫn được coi là nhóm động vật cao cấp nhất với những đặc điểm, tính năng không thể nhầm lẫn với bất kỳ loài nào. Nhưng hóa ra, chúng ta vốn vẫn chia sẻ rất nhiều cái chung bên cạnh các loài vật khác, ngay cả khi không có một chút quan hệ gần gũi nào.
Con người có đôi tai với cấu tạo khá phức tạp giúp chuyển sóng âm thanh thành các dao động cơ học mà bộ não có thể xử lý được. Và thật ngạc nhiên, những con châu chấu Katydid cũng có một hệ thống tương tự. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Khoa học số ra ngày 16/11 vừa qua, tai loài châu chấu này rất giống tai người, với màng nhĩ, bộ phận hoạt động như đòn bẩy khuếch đại các rung động và cái túi chứa đầy dịch lỏng, nơi tế bào cảm giác làm nhiệm vụ truyền đạt thông tin đến hệ thần kinh. Tuy đơn giản hơn một chút nhưng tai châu chấu lại có thể nghe tốt hơn với phạm vi xa hơn so với tai người.
Từ lâu, người ta vẫn tin rằng hệ thống ngôn ngữ phức tạp vốn chỉ thuộc về loài động vật bậc cao là con người. Nhưng quan niệm này có lẽ sẽ phải thay đổi đôi chút khi các nhà khoa học nhận thấy voi cũng có thể phát ra âm thanh giống tiếng người.
Đó là trường hợp của một con voi châu Á tên Koshik sống tại vườn thú Everland (Hàn Quốc). Nó đã học được cách sử dụng vòi và cổ họng để bắt chước tiếng nói của loài người và có thể phát âm một số từ giống hệt tiếng người bản địa như “xin chào”, “không”, “ngồi xuống”, “nằm xuống” và “tốt”, tất nhiên là bằng tiếng Hàn.
Nhưng theo nhóm nghiên cứu, Koshik không hiểu ý nghĩa của những từ mình “nói”. Họ cho rằng lý do là vì Koshik vào vườn thú từ khi mới 5 tuổi và là con voi duy nhất ở đây. Trong khi đó, 5-10 tuổi là giai đoạn phát triển quan trọng của loài voi, có lẽ chú voi này đã học được tiếng người để liên hệ với xung quanh.
Khi đang đau đớn, khuôn mặt của chúng ta sẽ có phản xạ nhăn lại. Trong năm 2010, các chuyên gia tại Đại học McGill và Đại học British Columbia (Canada) phát hiện ra rằng về điểm này thì chuột cũng giống người. Nghiên cứu này giúp họ biết điều gì có thể làm tổn thương loài động vật gặm nhấm, từ đó loại bỏ được những đau đớn không mong muốn cho chúng ở trong phòng thí nghiệm
Trong khi ngủ, cá heo vẫn có thể “nhẩm” lại “bài hát” của cá voi. Theo các nhà nghiên cứu, họ đã cho 5 con cá heo sống tại một khu bảo tồn sinh vật biển ở Pháp nghe bản thu âm “bài hát của cá voi” trong cả ngày. Thật bất ngờ, vào ban đêm, chúng dường như có xu hướng bắt chước những âm thanh đã nghe ban ngày, một hình thức nói mê khi ngủ chẳng khác gì con người.
Con bạch tuộc vân (Amphioctopus marginatus) biết dùng những chiếc vỏ dừa làm nơi trú ẩn di động. Ban đầu chúng nhấc vỏ dừa lên, dùng xúc tu quét sạch bùn trên đó. Khi muốn di chuyển, xúc tu sẽ cuốn lấy nửa mảnh vỏ dừa và đặt nó dưới cơ thể, giúp chúng ung dung lướt đi dưới đáy biển.
Thật khó tưởng tượng rằng Brittle Star, một sinh vật thuộc họ sao biển, thậm chí không có hệ thần kinh trung ương lại mang đặc điểm giống con người. Yếu tố quyết định chính là bộ phận kỳ lạ giống như 5 cánh tay phối hợp di chuyển hết sức nhịp nhàng.
Cơ thể Brittle star đối xứng qua tâm, nghĩa là cơ thể chúng có thể được chia thành các nửa xứng nhau bằng những đường thẳng đi qua các cánh tay và trục trung tâm. Trong khi đó, con người và động vật có vú khác thuộc nhóm đối xứng 2 bên, nghĩa là có thể chia cơ thể thành 2 với một đường thẳng qua thân, bên này là hình phản chiếu của bên kia. Những loài có đối xứng qua tâm hầu như ít di chuyển ít hoặc chỉ di chuyển theo chiều lên - xuống, giống như một con sứa khi bơi. Tuy nhiên, sao biển lại là trường hợp ngoại lệ, nó có thể di chuyển về phía trước, vuông góc với trục cơ thể - một kỹ năng thường chỉ dành riêng cho nhóm đối xứng 2 bên như con người.