Những phát minh ra đời từ sự ngẫu nhiên

  •  
  • 2.209

Đã có không ít phát minh khoa học xuất phát từ những sai lầm và sự đãng trí, giống như định luật Achimedes và nhiều phát minh mang tính đột phá trong lịch sử nhân loại đã ra đời hoàn toàn tình cờ. Những tai nạn hay sự tình cờ luôn xảy ra và giới khoa học sẽ biết ơn chúng như những trường hợp sau đây:

Penicillin

Ảnh: Nobelprize

Alexander Fleming đang mày mò trong phòng thí nghiệm vào một ngày năm 1928, chợt một miếng nấm mốc bay lơ lửng, rơi ngay trên chiếc đĩa thuỷ tinh mà nhà khoa học đang sử dụng. Đĩa này chứa một thứ vi khuẩn rất ương ngạnh có tên là staphylococcus. Nếu không có óc quan sát, Fleming đã tiện tay vứt ngay đĩa thí nghiệm hỏng vào sọt rác, nhưng ông thấy vi khuẩn không phát triển gần nơi có nấm mốc xanh. Thế là qua các thử nghiệm đã làm rõ vấn đề, nấm mốc penicillium notatum còn tiêu diệt được một số loại vi khuẩn khác và không gây hiệu ứng phụ nghiêm trọng khi được dùng cho thỏ, chuột và con người. Đến năm 1939, Howard Florry và Ernst Chain tại Đại học Oxford cô lập được hoạt chất của nấm mốc trên, rồi đặt tên là penicillin. Đó chính là thuốc kháng sinh đầu tiên của con người, chống được nhiều bệnh nhiễm khuẩn và cứu hàng triệu sinh mạng.

Nylon

Nhà khoa học Wallace Hume Carothers của hãng Dupont để ý thấy một số polymer có thể tạo thành loại sợi bền và giãn nở được. Các đồng nghiệp của ông vô tình xáo tung phòng thí nghiệm; một người cầm trong tay que thuỷ tinh và chạy khỏi phòng, bám theo que là một mảnh polyester nóng chảy. Ông kinh ngạc về sự dẻo dai và sức kéo giãn của mảnh polyester trước khi nó bị rách. Nhưng polyester tan chảy quá dễ dàng nên không thể làm vải được, các nhà khoa học ở Dupont thử với polyamide và ny lông ra đời.

Miếng dính nhỏ để ghi chú

Khi Spencer Silver tại công ty 3M khám phá ra một loại keo có tính dính rất yếu vào đầu thập niên 1970, ông đã vứt bỏ nó như một thứ vô dụng.

Ảnh: Glass-resource

Vài năm sau, đồng nghiệp của Silver là Art Fry than phiền trong lúc dự lễ nhà thờ: các mảnh giấy đánh dấu trang sách của ông bị xáo tung lên mãi. Ông liền nghĩ đến thứ keo “vô dụng” và có tác dụng dính của nó nhưng không phá hỏng trang sách. Thế là miếng dính nhỏ để ghi chú ra đời, được các nhân viên văn phòng đón chào nồng nhiệt.

Kính an toàn

Kính an toàn được khám phá vào đúng lúc người ta cần nó nhất: buổi bình minh của thời đại xe hơi. Năm 1903, nhà hoá học người Pháp Edouard Benedictus đánh rơi chiếc bình thuỷ tinh xuống nền nhà phòng thí nghiệm. Chiếc bình vỡ, nhưng lớp ruột thuỷ tinh vẫn dính vào nhau dù đã nứt thành những mảnh nhỏ. Đó là một lớp nhựa mỏng đã vô tình hình thành sau khi chất lỏng có chứa keo hoá hơi. Ông trộn một lớp cellulose nitrate vào giữa hai mặt kính để tạo ra kính 3 lớp. Phát minh này được áp dụng chế tạo kính chắn gió xe hơi vào thập niên 1920.

Đường hoá học

Trong các tìm hiểu dẫn xuất của tolune vào năm 1789, một sinh viên tên Fahlberg nếm thử hoá chất bắn lên tay mình và… tìm ra đường nhân tạo. Hai chất tạo vị ngọt nhân tạo khác cũng được tìm thấy tình cờ. Năm 1937, Michael Sxeda, sinh viên đại học Illinois của Mỹ bật lửa đốt điếu thuốc và… nghe vị ngọt. Anh tìm hiểu và lần ra đó là chất cyclamates. Chất đường nhân tạo Nutra Sweet thì chào đời trong cuộc nghiên cứu thuốc chống đau dạ dày vào năm 1965.

Ngọc Phúc

Theo SGTT/Popular Science
  • 2.209