Những nhà sáng chế của nông dân mà tôi gặp chưa bao giờ mơ giấc mơ làm khoa học, không một ngày học về chế tạo máy. Nhưng những sáng chế của họ cho thấy rất “có nghề”, được bà con nông dân cả nước biết tới...
Đau đầu với phế phẩm
|
Anh Phúc bên chiếc máy xay phế phẩm. Ảnh: Công Hoan |
Để sản xuất ra máy xay phế phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ, anh Vũ Đình Phúc (ở đường Nguyễn Siêu, Xóm Mới, phường 7, TP Đà Lạt) đã phải mất tới 2 năm mày mò nghiên cứu. Mong muốn của anh là có thể tận dụng phế phẩm nông nghiệp để giảm rác thải và phục vụ sản xuất.
Nông dân này chia sẻ, do “ít chữ” nên phải mày mò lâu và khá… đau đầu. Cuối cùng làm xong thì sướng lắm. Vì không chỉ tiết kiệm cho mình mà còn giúp ích cho bà con nông dân vốn lao động kham khổ mà ít lãi lời.
Ban đầu, anh làm máy nhỏ thì 8 giờ chỉ xay được 10m³ phế phẩm, nhưng bây giờ máy đã được cải tiến lớn hơn, có công suất mỗi giờ 10m³ phế phẩm và khoảng 7 người làm mới phục vụ kịp cho máy xay.
Lợi nhuận máy xay phế phẩm rất đáng kể. Trước đây, gia đình anh mua một tấn phân bón ở ngoài thì phải mất khoảng 1 triệu đồng, nhưng nay chỉ cần mua 200.000 – 300.000đ phân đơn chất rồi tận dụng phế phẩm nông nghiệp là anh đã tiết kiệm được hơn 700.000đ tiền phân bón cho 1ha rau, hoa - Vũ Đình Phúc nói.
Hiện nay, do giá thành lắp đặt máy còn cao với khoảng 30 triệu đồng nên nhiều người dân trong vùng chưa có điều kiện để mua. Đây cũng là một lí do khiến anh Phúc đau đầu trăn trở làm cách nào có thể giảm chi phí tốn đa nhất để giá thành máy hạ xuống.
Anh cho biết, mong muốn nhất hiện nay là được các cơ quan chức năng giúp đỡ nghiên cứu và hoàn thiện về kỹ thuật để chiếc máy đến được với nhiều nông dân, góp phần giúp thành phố giảm rác thải và hạn chế tình trạng đất bạc màu, chai cứng tại các vùng sản xuất nông nghiệp.
"Sáng chế vui vui", lợi ích lớn "Cần phải biết nghĩ nhiều hơn tới những người bươn chải đầu tắt mặt tối. Đời sống họ thiệt thòi quá, mình phải biết chia sẻ, có khi chia sẻ bằng những ý nghĩ, những câu chuyện cũng đã là ý nghĩa"...
Đó là tâm sự của Cảnh “râu” - tên thân mật bà con gọi anh Nguyễn Hữu Cảnh. Vì thế, anh rất nhiệt tình chế tạo ra các máy móc hỗ trợ công sức bà con lao động. Anh là người cung cấp hầu hết máy làm bánh hỏi, làm bún cho dân Hàm Đức, Hàm Thắng (vùng sản xuất bún và bánh hỏi) ở Phan Thiết. Tay chế tạo máy có tiếng này chưa từng học một khóa, một buổi nào về máy móc mà chỉ mạy mọ “phá phá, sửa sửa” và “học lỏm”, anh tự nói về công việc của mình như vậy.
Với sản phẩm máy làm bánh hỏi, anh Nguyễn Hữu Cảnh đã đoạt giải thưởng Khoa học kỹ thuật lần thứ hai của tỉnh Bình Thuận. Ngoài sản phẩm được biết tới này, anh còn là tác giả của hơn chục loại máy móc khác mà theo anh nhận xét:
“Toàn thứ đồ vui vui, nho nhỏ giúp được bà con phần nào tôi vui phần đó”.
Những máy móc của anh Cảnh tung ra thị trường như máy lột vỏ lụa đậu phộng có kèm máy hút lụa, máy thái hành, là những loại rất khó tìm trên thị trường và được làm theo tiêu chuẩn chỉ ở tiệm của anh nhưng tạo niềm tin với người sử dụng bởi thái độ nhiệt tình cởi mở, bảo hành… bao lâu cũng được (vì lí do kỹ thuật).
Nông dân Cảnh còn tung ra thị trường loại máy ép củi từ vỏ trấu. Mỗi lần đi giao hàng cho bà con ở quê, anh rất bức xúc khi sau mỗi mùa vụ vỏ trấu dư thừa nấu không hết lại đổ ra đường, ra biển gây ô nhiễm. Một lần, xem ti vi, thấy thế giới người ta nói về loại máy ép mạt cưa thành củi. Với công suất 1 tấn củi mỗi ngày, máy nặng 100kg, hứa hẹn sẽ là người bạn của người lao động. Cảnh “râu” hồn nhiên:
“Tui cũng góp phần chống phá rừng đó chứ" |
Anh Nguyễn Hữu Cảnh (trái) và anh Huỳnh Thái Dương (phải). Ảnh: Thu Hương |
Nông dân giành giải khoa học Quốc gia
Đến Phan Thiết, cứ hỏi bà con nào về Dương “bắp”, người đó đều có thể tự hào kể về nhà sáng chế nông dân có nhiều thành tích này. Anh Dương "bắp" - Huỳnh Thái Dương từng được nhận giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc năm 2004 – 2005, giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn ngành Quốc gia, Cúp vàng sáng tạo quốc gia… Bao nhiêu chứng chỉ, huy chương ấy không phải là mục đích sáng tạo của anh nhưng là nguồn động viên rất lớn để anh biết con đường mình chọn là đúng và vinh danh.
Anh kể, một lần đến Tánh Linh (Bình Thuận), trông thấy bà con rất mất thời gian bẻ bắp, tỉa bắp, với những đầu ngón tay chai sần và nứt nẻ, anh thấy xót hết ruột. Suy nghĩ phải làm một cái máy thay tất cả công đoạn ấy cho người lao động khiến anh trằn trọc suốt hàng đêm dài trước khi bắt tay vào thực hiện. Anh thấy trước được sự đầu tư có thể gọi là vô biên và nếu không cẩn thận sẽ là… vô ích.
Để có tiền làm máy, anh phải cầm cố rồi bán hết thảy tài sản của mình. Sau 5,6 lần tốn công, tốn tiền, bạn bè không ai dám cho “lão Dương khùng” mượn tiền nữa và vợ cũng bỏ đi vì không chịu nổi đam mê hết sức viển vông của anh.
Sau 7 lần làm tới làm lui thì cái máy được như ý muốn. Anh hào hứng tung ra thị trường ngay lập tức. Sở Khoa học của tỉnh đã hướng dẫn nông dân Dương “bắp” đăng kí bản quyền cho máy ngay sau đó.
Sản phẩm sáng tạo được giới thiệu ra Bộ Khoa học & Công nghệ, đăng kí hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn ngành và đoạt giải nhì về sản phẩm máy bóc vỏ, tách hạt bắp. Kỷ niệm mà anh nhớ nhất là được Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm bắt tay khen: “Đồng chí nông dân này giỏi quá, dám vượt qua hàng trăm nhà khoa học giành giải Quốc gia”.
Cũng trong chuyến ra thủ đô này, một phó tiến sĩ trong Bộ Khoa học Công nghệ tặng anh luận án tiến sĩ “gẫy gánh” của mình vì: hai năm tui nghiên cứu về đề tài sáng tạo cái máy đó, chưa xong thì anh tung ra thị trường làm “bể” hết kế hoạch”.
Hiện, anh nông dân đã thành lập nhà máy sản xuất kinh doanh máy nông nghiệp Minh Thành, nhà máy có diện tích tổng thể 4.000 m2 nhằm sản xuất ra nhiều máy móc giúp nông dân bớt gánh nặng chân tay.