Những thách thức trước hội nghị khí hậu

  •  
  • 874

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc khai mạc hôm nay có thể dẫn tới một hiệp định toàn cầu về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, song các nước sẽ phải vượt qua nhiều trở ngại trước khi đạt được sự đồng thuận.

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Liên Hợp Quốc chủ trì từ ngày 7 đến 18/12 tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch sẽ tập trung vào nỗ lực ký kết một thỏa thuận để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Thỏa thuận này sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto (hết hiệu lực vào năm 2012). Mục tiêu của mọi nỗ lực cắt giảm khí thải là ngăn không cho nhiệt độ toàn cầu tăng quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này.

Phát biểu tại một hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu ở London vào ngày 21/10, Thủ tướng Anh Gordon Brown nói rằng các nhà lãnh đạo thế giới phải đạt được một thỏa thuận để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Nếu hội nghị thượng đỉnh Copenhagen không dẫn tới sự ra đời của một hiệp định về cắt giảm khí thải, mỗi năm thế giới không chỉ mất hàng trăm nghìn sinh mạng người do hạn hán và lũ lụt, mà còn phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong vài thập niên gần đây. GDP toàn cầu sẽ giảm 20%. Mức thiệt hại kinh tế này lớn hơn tổn thất do hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc khủng hoảng Đại suy thoái gây nên. 

Đồng ruộng nứt nẻ vì hạn hán tại Lahiripur, Ấn Độ vào ngày 3/12. Các nhà khoa học cảnh báo hạn hán sẽ xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn do nhiệt độ trái đất tăng. Ảnh: AP.


Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường lấy cơn bão nhiệt đới Ketsana vào tháng 8 để minh họa tác động ghê gớm của biến đổi khí hậu. Những cơn bão khủng khiếp như Ketsana sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn bởi tình trạng ấm lên của trái đất. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc - được công bố vào tuần trước - cho thấy các hiện tượng liên quan tới khí hậu, như tình trạng băng ở Bắc Cực hay nồng độ axit trong các đại dương ngày càng tăng, đang xảy ra với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự đoán của giới khoa học.

Tuy nhiên, cho tới giữa tháng 11 các cuộc thương lượng vẫn đang lâm vào thế bế tắc do những nước giàu không muốn chấp nhận những cam kết nghiêm ngặt trong việc giảm khí thải hay cung cấp nhiều tỷ USD cho những nước nghèo để giúp các quốc gia này thích nghi với những tác động của biến đổi khí hậu và hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng và than đá.

Thậm chí Mỹ còn muốn từng quốc gia tự đề ra mục tiêu cắt giảm khí thải. Sau khi mục tiêu được cộng đồng quốc tế thông qua mỗi nước phải ban hành các đạo luật để đảm bảo rằng mục tiêu sẽ được thực hiện. Khối nước giàu cho rằng hiệp định mới phải bao gồm các điều khoản ràng buộc về mặt pháp lý dành cho các nước đang phát triển. Những điều khoản ấy không chú trọng vào lượng khí thải sẽ được cắt giảm, mà nhấn mạnh vào những "hành động" thiết thực như loại bỏ dần than đá trong sản xuất công nghiệp và đầu tư vào các dạng năng lượng sạch.

Trong khi đó, phần lớn nước đang phát triển muốn giữ nguyên những điều khoản cơ bản của Nghị định thư Kyoto 1997. Những điều khoản ấy không đưa ra bất kỳ yêu cầu cụ thể nào đối với nhóm nước đang phát triển, song lại buộc 37 nước giàu nhất cắt giảm khí thải. Những nước nghèo cũng muốn nhận hỗ trợ về tài chính, công nghệ của các nước giàu để có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Trong vòng thương lượng tại Barcenola (Tây Ban Nha) hồi đầu tháng 11, các nước đang phát triển cảnh báo họ sẽ rời khỏi bàn đàm phán nếu bản dự thảo hiệp định mới không yêu cầu những nước giàu cắt giảm khí thải. 

Khói bốc lên từ nhà máy nhiệt điện Belchatow ở Ba Lan. Đây là nhà máy nhiệt điện lớn nhất châu Âu. Hoạt động đốt than đá và các dạng nhiên liệu hóa thạch khác là nguyên nhân hàng đầu khiến lượng khí thải carbon tăng. Ảnh: Reuters.


Tình hình trở nên phức tạp hơn sau khi báo chí đưa tin chính phủ Đan Mạch gửi những đề xuất trong bản dự thảo hiệp định tới các nước. Các đề xuất nhấn mạnh rằng lượng khí thải trên toàn thế giới phải giảm 50% trước năm 2050. Tuy nhiên, chính phủ Đan Mạch khẳng định họ chỉ gửi văn bản mang tính tham khảo. Mặc dù vậy, các nước đang phát triển vẫn tuyên bố họ sẽ không chấp nhận tỷ lệ cắt giảm 50% vì nó sẽ gây hại cho nền kinh tế. Lãnh đạo của Trung Quốc, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ có thể đưa ra bản dự thảo riêng để thay thế đề xuất của Đan Mạch.

Thế rồi trong một động thái khiến dư luận thế giới bất ngờ, vào ngày 26/11 cả Trung Quốc và Mỹ (mỗi nước tạo ra 20% lượng khí thải toàn cầu) cùng công bố mục tiêu cắt giảm khí thải. Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ cam kết cắt giảm 17% lượng khí thải vào năm 2020 so với mức của năm 2005 tại hội nghị Copenhagen. Trung Quốc tuyên bố giảm 40-45% lượng khí thải trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020 so với năm 2005. Điều này có nghĩa là, lượng khí thải tương ứng với mỗi nhân dân tệ (hoặc USD) mà nước này làm ra vào năm 2020 sẽ giảm 40-45% so với năm 2005.

Ngày 3/12, đến lượt Ấn Độ thông báo họ sẽ cắt giảm 25% lượng khí thải trước năm 2020. Tuy nhiên, ông Jairam Ramesh, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ, nhấn mạnh rằng mục tiêu này phục vụ lợi ích của Ấn Độ và không chịu sự ràng buộc của luật pháp quốc tế.

Các nhà thương thuyết tại Copenhagen sẽ phải quyết định một vấn đề: Sửa đổi, mở rộng những điều khoản của Nghị định thư Kyoto hay lập nên một hiệp định hoàn toàn với những điều khoản hoàn toàn mới? Rất có thể họ sẽ phải thảo luận về những mục tiêu cắt giảm khí thải dành cho các nước đang phát triển. Một số chuyên gia hàng đầu thế giới về môi trường tỏ ra bi quan về khả năng ra đời của một hiệp định mới, song nhiều chính trị gia, trong đó có Thủ tướng Anh Gordon Brown, tin rằng điều kỳ diệu sẽ xảy ra.

Theo VnExpress
  • 874