Những tín hiệu bí mật của mồ hôi người (Phần 1)

  •  
  • 1.217

Nếu nhiều phụ nữ sống với nhau trong một thời gian dài, chu kỳ kinh nguyệt của họ sẽ dần trở nên đồng nhất. Đó là do các pheromone trong mồ hôi của phụ nữ có khả năng đồng bộ hóa chu kỳ kinh nguyệt của người cùng giới. 

Mồ hôi do con người tiết ra còn chứa đựng nhiều bí ẩn. Ảnh: Corbis.com


Đã bao giờ bạn đột nhiên cảm thấy một cảm giác thân thuộc và ấm áp khi gặp ai đó lần đầu tiên? Nếu là người thích bay lượn, đã bao giờ bạn bỗng dưng có cảm giác sợ máy bay? Đó là những cảm giác thoáng qua, song phần lớn chúng ta không thể giải thích được. Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm ra lời giải đáp cho những phản ứng có vẻ phi lý này của con người.

Chúng chính là phản ứng đối với các tín hiệu bí mật bên trong mồ hôi của người khác. Tín hiệu do những hóa chất có tên chung là pheromone phát đi. Pheromone là chủ đề tương đối nhạy cảm trong sinh học. Mặc dù chúng tồn tại trong cơ thể nhiều loài sinh vật sống, từ côn trùng cho tới động vật có vú, song tới nay số lượng nghiên cứu về pheromone ở người chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Vì thế trong một thời gian dài, chúng ta chỉ có những hiểu biết mơ hồ về pheromone ở người.

Tình hình đã thay đổi trong vài năm gần đây. Các kỹ thuật chụp ảnh não hiện đại cho thấy pheromone của động vật hoạt động không hoàn toàn giống với suy nghĩ của chúng ta. Một số nhà khoa học cho rằng con người cũng có thể tạo ra và phản ứng với các pheromone. Theo họ không nên đặt câu hỏi pheromone của con người có tồn tại hay không, thay vào đó nên bắt đầu tìm hiểu xem chúng tác động tới hành vi của con người như thế nào.

Pheromone, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1959, là thuật ngữ dành cho các hóa chất mà động vật tiết ra để kích thích các hành vi mang tính bản năng của đồng loại. Chẳng hạn, bướm đêm cái giải phóng pheromone để mời gọi bạn tình. Khi các nhà khoa học tìm thấy pheromone ở động vật, họ nhận ra chức năng của chúng rất đa dạng chứ không chỉ bó hẹp trong việc kích thích các hành vi mang tính bản năng của những con cùng loại.

Kể từ đó định nghĩa pheromone trở thành chủ đề gây tranh cãi. Định nghĩa sau được chấp nhận nhiều nhất: Pheromone là các hóa chất có chức năng phát đi một tín hiệu có lợi cho cả bên gửi và bên nhận trên phương diện tiến hóa.

Cho dù chúng ta chấp nhận định nghĩa nào thì bản chất của các pheromone cũng không thay đổi. Chúng là một phần quan trọng trong thế giới sinh vật sống. Động vật sử dụng pheromone để phát các thông tin về bản thân (như giới tính và nhu cầu giao phối), thay đổi sinh lý của con khác (như kích thích sự rụng trứng) và tác động trực tiếp tới hành vi của đồng loại (cảnh báo về mối nguy hiểm, mời gọi giao phối). Nhiều loài động vật có vú như chuột và hươu thường tiết ra pheromone để thông báo các con khác trong đàn về sự xuất hiện của kẻ thù.

Trong suốt nhiều năm, người ta cho rằng con người không tạo ra và cũng không phản ứng với pheromone, một phần là do nhiều nhà khoa học không muốn thừa nhận rằng con người cũng có những hành vi giống hệt động vật. Một lý do nữa là chưa có ai tìm ra cơ chế phản ứng của não người đối với pheromone.

Động vật phát hiện pheromone nhờ hai lỗ nhỏ xíu bên trong khoang mũi. Hai lỗ mũi phụ này chuyển tín hiệu mùi trực tiếp lên não. Mặc dù con người sở hữu một cơ quan có chức năng giống cặp lỗ mũi phụ của động vật, song chúng ta lại không có các tế bào thần kinh kết nối cơ quan đó với não. Chúng ta cũng có các gene quy định hoạt động của hai lỗ mũi phụ, song chúng không giúp cơ thể tạo ra những protein cảm thụ có khả năng phát hiện pheromone. Vì thế nhiều nhà sinh học cho rằng con người đã đánh mất khả năng giao tiếp bằng pheromone trong một giai đoạn nào đó của quá trình tiến hóa.

Nhưng kết luận này không thể ngăn cản nhiều nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu về pheromone ở người. Năm 1971, Martha McClintock, một chuyên gia tâm lý xã hội thuộc Đại học Harvard (Mỹ), công bố một kết quả nghiên cứu gây chấn động dư luận. Theo báo cáo của bà, nếu nhiều phụ nữ sống cùng nhau trong một thời gian dài, chu kỳ kinh nguyệt của họ sẽ dần dần trở nên giống nhau. Bà cho rằng các pheromone trong mồ hôi của những phụ nữ có khả năng đồng bộ hóa chu kỳ kinh nguyệt của người cùng giới.

Năm 1998, Martha cùng với một cộng sự còn phát hiện thêm rằng mồ hôi của phụ nữ trong các thời điểm khác nhau của chu kỳ kinh nguyệt có thể làm giảm hoặc kéo dài chu kỳ kinh của phụ nữ khác. Kết luận của Martha trở thành chủ đề gây tranh cãi vì chẳng ai phân lập được những hóa chất đã gây ra hiện tượng đó.

Pheromone có liên quan tới hành vi tìm kiếm bạn tình ở người hay không cũng là một vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm. Trong những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, David Berliner và Luis Monti-Bloch – hai giảng viên của Đại học Utah (Mỹ), khẳng định rằng khi con người ngửi thấy mùi của những hoóc môn sinh sản của người khác giới, hai lỗ mũi phụ của chúng ta sẽ phát ra một xung điện. Ở phụ nữ, các tế bào tại khu vực này phản ứng mạnh mẽ đối với các chất chiết suất chứa androstadienone – chất dẫn xuất của hoóc môn giới tính testosterone có trong mồ hôi nam giới. Đàn ông cũng phản ứng tương tự với estratetraenol (có trong nước tiểu của nữ giới).

* Còn nữa

Theo VnExpress (Newscientist)
  • 1.217