Nọc rắn cực độc có thể làm thuốc giảm đau

  •  
  • 1.861

Nọc của một trong những loại rắn độc nhất trên thế giới có thể được sử dụng để điều chế ra dòng thuốc giảm đau mới, ưu việt hơn các loại hiện có trên thị trường, theo một nghiên cứu mới.

Nhóm nghiên cứu do Anne Baron - chuyên gia đến từ Viện Dược lý phân tử và tế bào của Pháp phát hiện, các hợp chất giảm đau có tên gọi mambalgin được chiết xuất từ nọc của loài rắn đen cực độc của châu Phi có tác dụng mạnh như một số loại thuốc phiện, kể cả moóc phin. Ưu điểm của chúng là không gây nguy cơ về hô hấp cũng như các tác dụng phụ khác như những dược phẩm giảm đau phổ biến hiện nay.

Chiết xuất từ nọc của loài rắn đen cực độc của châu Phi có tác dụng giảm đau mạnh như một số loại thuốc phiện, kể cả moóc phin.
Chiết xuất từ nọc của loài rắn đen cực độc của châu Phi có tác dụng giảm
đau mạnh như một số loại thuốc phiện, kể cả moóc phin. (Ảnh: NatGeo)

Các nghiên cứu trước đây từng cho thấy, nọc của một số loại rắn nhất định chứa độc tố có khả năng thúc đẩy cơn đau bằng cách kích hoạt các kênh ion thụ cảm axít (ASIC) ở trung khu thần kinh và hệ thần kinh ngoại biên.

Bà Baron và các cộng sự khám phá ra rằng, khi tách các chuỗi axít amin mà họ đặt tên là mambalgin, cơn đau sẽ được giảm tới mức tối thiểu hoặc thậm chí chấm dứt thông qua việc ức chế một số ASIC nhất định bên trong cơ thể. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành các thử nghiệm trên chuột và thu được kết quả khả quan.

Tạp chí National Geographic dẫn lời bà Baron cho biết, do cơ chế gây đau ở người và chuột tương tự nhau nên nhóm nghiên cứu tin tưởng rằng chiết xuất từ nọc rắn đen châu Phi cũng sẽ có hiệu quả ở người.

Nọc của rắn và một số sinh vật khác như nhện và bọ cạp từ lâu đã được sử dụng trong y học. Nhiều nghiên cứu thời hiện đại đã tập trung phát triển các loại độc tố này thành dược phẩm để phục vụ thị trường rộng lớn hơn.

Khoa học từng xác nhận, chiết xuất từ rắn mang bành, rắn hổ mang, rắn chuông và rắn vipe có tác dụng chữa nhiều bệnh lý như làm tan các cục máu đông hay có khả năng làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư.

Zoltan Takacs, một chuyên gia nghiên cứu bò sát và độc tố từng được tạp chí National Geographic bình chọn là nhà thám hiểm nổi bật của năm 2010, nhận định: “Độc tố từ nọc của động vật có tỉ lệ thành công cao trong việc trở thành dược phẩm quan trọng. Tuy nhiên, để phát triển được một loại dược phẩm mới, bạn cần từ 10 - 15 năm và mất tới 1 tỷ USD”.

Nhóm của bà Baron hiện đã lên kế hoạch đưa các kết quả nghiên cứu của họ ứng dụng vào lĩnh vực khám chữa bệnh, mặc dù quá trình phát triển này đòi hỏi rất nhiều năm. Tuy nhiên, theo bà Baron, họ đã được cấp bằng sáng chế và đang hợp tác với công ty Theralpha để phát triển các hợp chất giảm đau chiết xuất từ nọc độc rắn đen châu Phi.

Theo Vietnamnet, Nationalgeographic
  • 1.861