Núi lửa phun cột tro bụi cao 58.000m, tới tận tần trung lưu của khí quyển

  •  
  • 229

Sức nóng từ núi lửa kết hợp hơi ẩm từ đại dương khiến cột tro bụi của núi lửa Tonga lên tới tầng trung lưu của khí quyển.


Video ghi lại 13 tiếng phun trào của núi lửa Tonga hôm 15/1, tổng hợp từ các quan sát của vệ tinh GOES-17 và Himawari-8. (Video: NASA Earth Observatory)

Vụ phun trào núi lửa làm rung chuyển đảo quốc Tonga ở Thái Bình Dương hồi tháng 1 mạnh đến mức phun tro bụi lên tới tầng trung lưu, tầng thứ ba và cũng là tầng lạnh nhất của khí quyển Trái Đất, Verge hôm 17/2 đưa tin. Vươn cao 58.000m so với bề mặt Trái Đất, đây có thể là cột tro bụi núi lửa cao nhất mà vệ tinh từng đo đạc, theo NASA.

NASA đo được cột tro bụi này nhờ hai vệ tinh thời tiết GOES-17 (NASA) và Himawari-8 (Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản JAXA) tình cờ có mặt "đúng lúc đúng chỗ". Chúng chụp những bức ảnh tĩnh và ảnh hồng ngoại, mang lại cái nhìn chi tiết về vụ phun trào từ trên cao.

Chỉ khoảng 30 phút sau vụ phun trào, tro bụi, hơi nước và khí từ núi lửa ngầm Tonga vươn lên khỏi mặt biển, chạm đến tầng trung lưu. Đợt phun thứ hai cũng gần đạt độ cao này, khoảng 50.000m, chạm đến vùng ranh giới giữa tầng trung lưu và tầng bình lưu ngay bên dưới.

Các hạt aerosol từ cột tro bụi vẫn lưu lại trong tầng bình lưu gần một tháng sau đó.
Các hạt aerosol từ cột tro bụi vẫn lưu lại trong tầng bình lưu gần một tháng sau đó.

Sự kết hợp bùng nổ giữa sức nóng dữ dội từ núi lửa và hơi ẩm từ đại dương giúp đẩy cột tro bụi lên độ cao kỷ lục. "Điều này giống siêu nhiên liệu cho một cơn bão lớn. Cột tro bụi vươn cao 2,5 lần so với bất cứ cơn giông bão mà chúng tôi từng quan sát. Vụ phun trào cũng tạo ra một lượng sét đáng kinh ngạc", Kristopher Bedka, nhà khoa học khí quyển tại NASA, cho biết.

Các hạt aerosol từ cột tro bụi vẫn lưu lại trong tầng bình lưu gần một tháng sau vụ phun trào và có thể tồn tại đến một năm hoặc hơn, theo nhà khoa học khí quyển Ghassan Taha tại Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard thuộc NASA.

Vật chất phun từ núi lửa có thể ảnh hưởng đến thời tiết địa phương và khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, Taha cho rằng hiện có vẻ cột tro bụi Tonga không ảnh hưởng đáng kể đến khí hậu vì chứa ít SO2 - khí núi lửa gây ra hiệu ứng làm mát - nhưng lại chứa nhiều hơi nước, góp phần khiến cột tro bụi đạt độ cao ấn tượng.

Vụ phun trào cũng gây ra một trận sóng thần dữ dội quét qua Tonga. Quần đảo bị cô lập với các khu vực khác trên thế giới trong nhiều ngày vì thảm họa làm hỏng đường dây cáp dưới biển cung cấp mạng Internet. Hiện tại, việc khôi phục sau thảm họa núi lửa phun trào và sóng thần Tonga sẽ cần khoảng 90 triệu USD, tương đương hơn 18% GDP nước này, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB).

Cập nhật: 21/02/2022 Theo VnExpress
  • 229