Phát hiện bộ đàn đá tiền sử ở Bình Thuận

  •  
  • 400

Nửa tháng trước, trong khi san đào đồi cát sau nhà, anh Nguyễn Văn Thành tại xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam đã phát hiện nhiều mộ vò và 8 thanh đá lạ. Dấu tích của địa điểm cho thấy đây là di chỉ thời kỳ đá mới, và những thanh đá chính là bộ đàn đá của người tiền sử.

Bộ đàn đá ở Hàm Mỹ, Bình Thuận.
Bộ đàn đá ở Hàm Mỹ, Bình Thuận. (Ảnh: Lao Động)
Nghe tin đồn, anh Phạm Định, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Hàm Mỹ, đến xem và đưa về một thanh. Vì nghi ngờ đây là những thanh đàn đá cổ, anh Định đã thông báo cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Hàm Thuận Nam và Bảo tàng Bình Thuận biết.

Hiện trường nơi san lấp cát, trong phạm vi 300 m2, độ sâu khoảng 2m, hơn nửa tháng trước khi san lấp, anh Thành thấy có đến 7-8 chiếc chum (mộ chum) nằm cạnh nhau. Cạnh đó, trong một hố khoảng 1 m2 có 8 thanh đá chôn ngay ngắn xếp chồng lên nhau, 4 thanh lớn nằm lớp dưới và 4 thanh nhỏ nằm ở lớp trên, sau đó khỏa đất lại. Cả 8 thanh đá đều dày đặc các dấu vết ghè, đẽo chỉnh sửa tạo thành hình gần giống nhau: Thanh dài nhất là 95 cm, rộng 17 cm, nặng 12,5 kg; các thanh khác có chiều dài thấp dần đến thanh cuối cùng là 52,5 cm, nặng 4,5 kg. Cả 8 thanh đều có hình dạng giống nhau: Hai đầu dày và hơi phình to, ở giữa có eo nhỏ lại và là nơi mỏng nhất.

Chúng có màu nâu đen. Chỉ cần gõ nhẹ người ta đã nghe rất rõ âm thanh từ thanh đá phát ra. Thử hết 8 thanh đá sẽ nghe các loại âm thanh trầm nhất đến âm thanh cao nhất. Có thể thấy bộ đàn đá Hàm Mỹ đạt đến độ tinh xảo và khéo léo của kỹ thuật ghè đẽo thời kỳ đồ đá mới. Rõ ràng đây là bộ nhạc cụ quý hiếm của thời tiền sử.

Kết quả khảo sát và khai quật khảo cổ học của Bảo tàng Bình Thuận ở đây trong thời gian sau khi phát hiện bộ đàn đá, đã phát hiện nhiều mộ táng, với nhiều hình loại khác nhau cách nơi chôn đàn đá khoảng 10 m. Những dấu tích này cho thấy chắc chắn đây là khu mộ táng của người xưa.

Phát hiện mới về đàn đá cổ tại xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, đã làm mọi người ngạc nhiên, bởi nhiều lý do: Thứ nhất là nơi này gần biển, thứ nhì là nơi phát hiện nằm trong phạm vi ảnh hưởng đậm của văn hóa Sa Huỳnh. Mà trong phạm vi của văn hóa Sa Huỳnh với địa bàn các tỉnh miền Trung chưa hề tìm thấy đàn đá và nhiều điều khác cần giải thích đầy đủ.

Tiếp cận 8 thanh đá và xem xét hiện trường, Bảo tàng Bình Thuận khẳng định đây là bộ đàn đá cổ. Cần phải nghiên cứu để làm rõ bộ đàn này so với các bộ đàn đá đã phát hiện từ trước đến nay, như đàn đá Khánh Sơn, Bác Ái, Lâm Đồng, Đăk Lăk và gần đây là bộ đàn đá Đa Kai Bình Thuận.

Tất cả các bộ đàn đá trên đều phát hiện ở miền rừng, núi cao. Riêng bộ đàn đá này lại được chủ nhân của nó chôn trên đồi cát gần biển, ngay trong khu mộ táng. Như vậy các nhà khảo cổ sẽ phải xem lại quan niệm cho rằng chủ nhân của đàn đá là người cổ ở vùng cao và do người miền rừng núi chế tác.

Sắp tới, Bảo tàng Bình Thuận sẽ mời các nhà khoa học đến nghiên cứu, đo thang âm và nghiên cứu toàn diện bộ đàn đá Hàm Mỹ - bộ đàn đá được xem là hơn hẳn về mọi mặt so với những bộ đàn đá phát hiện từ trước đến nay.

Theo Lao Động, Vnexpress
  • 400